Mặc dù ngành chăn nuôi Việt Nam xét trên tổng thể thuộc top các quốc gia có số lượng khá lớn về gia súc, gia cầm. Cụ thể, tổng đàn gia súc, gia cầm của Việt Nam đứng thứ 2 châu Á và trong top 10 của thế giới nhưng giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi còn khiêm tốn, cầm chừng. Trong khi danh sách các quốc gia xuất khẩu vào Việt Nam ngày càng dài thêm thì Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ”, khi chỉ xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch vào một số thị trường “lối mòn” như Trung Quốc.
Chăn nuôi Việt Nam chủ yếu còn manh mún, nhỏ lẻ Ảnh: Xuân Trường
Đánh giá về thực trạng chăn nuôi trong nước, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, hiện nay các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tiêu dùng trong nước. Bởi thực tế, chúng ta vẫn lúng túng trong tiếp cận thị trường vì chưa có nhiều chuỗi sản xuất hoàn chỉnh. Thương lái vẫn có ảnh hưởng lớn đến thương mại... Hơn nữa, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam thiếu thương hiệu để người tiêu dùng lựa chọn. Việc xuất khẩu tiểu ngạch có sự thay đổi, tác động đến tiêu thụ.
Điển hình như thịt lợn, được coi là thế mạnh của ngành chăn nuôi Việt Nam nhưng nhiều năm qua, người nông dân vẫn mày mò tìm thị trường, chỗ thu mua. Giá thu mua lại bấp bênh khiến nhiều người thua lỗ, thậm chí quay lưng lại với nghề nuôi. Tại huyện Xuân Lộc, Thống Nhất (Đồng Nai), hai trong những vựa nuôi lợn lớn của cả nước, rất nhiều hộ nuôi lợn theo công nghệ sinh học phải loay hoay tìm đầu ra. Lợn thịt nuôi theo hình thức này có thể bán được giá cao hơn so với lợn nuôi thường, nhưng khi đem ra thị trường tự do thì lại bị “vàng thau lẫn lộn”. Tình trạng trên còn xảy ra tại nhiều địa phương khác, khiến người nông dân luôn bế tắc.
Hay với bò sữa. Dù là quốc gia có thâm niên chăn nuôi bò sữa, nhưng sau hơn nửa thế kỷ, sản lượng sữa tươi của cả nước mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu tiêu thụ. Người nông dân vẫn còn phải đổ sữa bò vào thời điểm được cho là “cung vượt cầu”.
Hà Nội có số lượng bò sữa phát triển khá nhanh, nhưng vào mùa đông, tiêu thụ giảm nên các hộ rất vất vả lo đầu ra cho sản phẩm sữa. Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, cho rằng, chất lượng sữa không đồng đều do quy mô chăn nuôi trên địa bàn thành phố chủ yếu nhỏ lẻ, bình quân 4,7 con/hộ. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế, chưa có sự chia sẻ hài hòa lợi ích; quy trình chăn nuôi chưa khép kín… đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá sữa!
Sau bao năm phát triển, người nông dân Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vòng quay của việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự xoay sở tìm đầu ra cho sản phẩm. Chưa kể đến việc ghi tên sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu thì ngay cả với những mặt hàng thế mạnh, người nông dân vẫn có thể bị sản phẩm ngoại “bóp chết” bất cứ lúc nào. Sản xuất chủ yếu phục vụ tiêu thụ trong nước. Nhiều người ví von, người nông dân Việt Nam tham gia sản xuất trong trạng thái “chết bất đắc kỳ tử”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngành chăn nuôi nên tập trung nâng cao chất lượng nhân tạo con giống. Các huyện, thị xã cần quy hoạch và dành diện tích đất đai để trồng cỏ thâm canh, bên cạnh đó là trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh đáp ứng nhu cầu quanh năm cho trâu bò. Nhà nước nên khuyến khích các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại…
Trong khi đó theo ông Hoàng Thanh Vân, cần tích cực xây dựng chuỗi sản phẩm gắn với thương hiệu, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư, cải thiện khâu giết mổ và chế biến, xiết chặt công tác quản lý Nhà nước. Tìm hướng xuất khẩu chính ngạch. Coi thị trường là mục tiêu để có quy hoạch phát triển, đồng thời tìm mọi giải pháp để giảm giá thành. Ông nhấn mạnh “Cục Chăn nuôi cần tham mưu cho Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ sớm ban hành các chính sách hỗ trợ việc xây dựng và phát triển các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị; có chính sách vay vốn ưu đãi cho các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Ðồng thời, các địa phương cần quan tâm hơn công tác quy hoạch chăn nuôi, xây dựng các vùng nguyên liệu với cơ chế cụ thể, gỡ khó bắt đầu từ người nông dân”.
>> Việc thực hiện chuỗi liên kết chưa hiệu quả do nhu cầu vay vốn lớn, nhiều hộ chăn nuôi chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp. Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, giá đầu ra chưa ổn định, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chăn nuôi an toàn chưa nhiều; việc hỗ trợ về thuế, đất đai cho mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn… Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã