Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản XK chủ lực suốt thời gian qua?
Nền kinh tế càng hội nhập sâu thì việc xây dựng thương hiệu càng quan trọng, việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực cũng đã có chủ trương, nhưng kết quả chưa được bao nhiêu. Ví dụ như: Việt Nam là một trong những quốc gia XK lúa gạo hàng đầu thế giới nhưng đến nay vẫn chưa có thương hiệu gạo Việt. Trước đây, Việt Nam từng cử chuyên gia sang giúp Campuchia sản xuất lúa nước. Đến nay, thương hiệu gạo thơm Campuchia đã bắt đầu nổi danh trên thị trường thế giới, còn gạo Việt vẫn vắng bóng thương hiệu. Đáng buồn hơn ngay trong thị trường nội địa, nhiều người vẫn thích tìm mua gạo thơm Thái Lan, gạo thơm Campuchia và nhiều nước khác để sử dụng chứ không ưa chuộng gạo nội.
Nói tới mặt hàng nông sản XK tạo dựng được tên tuổi trên thị trường thế giới của Việt Nam, hồ tiêu là cái tên đáng kể. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu vẫn còn khá mờ nhạt, cần đi sâu hơn nữa. Đối với cà phê, dù lượng XK rất lớn nhưng gần như không có thương hiệu… Đưa ra những dẫn chứng trên để thấy, các mặt hàng nông sản XK chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam chưa được chú ý xây dựng thương hiệu “đến đầu đến đũa”.
Ngoài bước đầu xây dựng thương hiệu, phải nhấn mạnh một trong những điểm yếu của Việt Nam là có những thương hiệu xây dựng xong nhưng lại không bảo vệ nổi. Điển hình như khi xuất xứ cà phê Buôn Mê Thuột bị các nhà kinh doanh nước ngoài xâm phạm, đến khi bị xâm phạm rồi các nhà sản xuất trong nước mới “ngã ngửa” ra. Điều đó cho thấy, chỉ dẫn địa lý của cà phê Buôn Mê Thuột chưa được chú ý bảo vệ đúng đắn.
Theo ông, đâu là nguyên nhân mấu chốt khiến cho việc xây dựng thương hiệu nông sản diễn ra trì trệ, chưa đạt kết quả như mong muốn?
Nguyên nhân chính mang tính bản chất là tư duy kinh doanh chộp giật của cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn DN khi chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không tính lâu dài. Muốn có thương hiệu phải xây dựng cả chiến lược, kết hợp giữa xây dựng, bảo vệ và khuếch trương thương hiệu.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng quan niệm về thương hiệu của các DN cũng như các nhà quản lý cấp địa phương chưa đúng. Họ quan niệm chỉ cần sản phẩm có bao bì đẹp, tên tuổi nổi một chút, chịu khó quảng cáo trên truyền hình, tờ rơi… đã là có thương hiệu. Trong khi thực chất đã gọi là thương hiệu phải tìm câu trả lời từ phía khách hàng xem khách hàng thực sự suy nghĩ, đánh giá về sản phẩm đó như thế nào. Muốn có thương hiệu, sản phẩm đòi hỏi phải chất lượng, tiện lợi, luôn đổi mới, bổ sung thêm những giá trị mới. Ngoài ra, dịch vụ trước, trong và sau bán hàng của DN phải tốt,…
Nhiều ý kiến nhìn nhận, để xây dựng thương hiệu nông sản thành công, một trong những mấu chốt là cần thu hút tối đa sự tham gia của các DN, nhất là DN mang tính “đầu đàn”. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Muốn xây dựng một thương hiệu cho mặt hàng nông sản thực phẩm nào đó đều phải gắn mặt hàng đó với tổ chức sản xuất bài bản theo chuỗi để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nội địa cũng như XK. Đây là điều chỉ các DN làm ăn bài bản mới có thể làm tốt. Vì vậy, tôi cũng cho rằng, để hình hành nền sản xuất nông nghiệp lớn và có thương hiệu nông sản thực phẩm uy tín thì phải có sự tham gia làm “hạt nhân” của DN lớn, có “tầm” và có “tâm”.
Thực tế, thời gian qua không ít DN muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên nhiều khó khăn khiến DN phải chùn bước. Điển hình như DN phải làm việc với hàng nghìn nông dân. DN muốn tập hợp ruộng đất, song chủ trương dồn điền đổi thửa khó hiện thực hóa… Do đó, một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu nông sản chính là nhanh chóng tháo gỡ vấn đề đất đai cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài đẩy mạnh thu hút DN, những giải pháp hiệu quả khác góp phần cải thiện tình hình xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là gì, thưa ông?
Theo tôi, Nhà nước nên nhìn nhận lại, điều chỉnh quy phạm pháp luật hướng tới hình thành một nền sản xuất nông nghiệp lớn. Trong đó, mỗi vùng, mỗi địa phương phân tích trên đặc thù để chọn sản phẩm riêng biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đó. Đối với từng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cũng cần chú ý tính đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Ví dụ riêng trong xây dựng thương hiệu gạo, dễ thấy chủ trương xây dựng thương hiệu quốc gia về gạo đã có từ lâu song bao lâu nay vẫn còn tranh cãi. Đó là vì xác định không đúng hướng, không thể có mặt hàng gạo đại diện chung cho toàn bộ Việt Nam. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhưng nhu cầu gạo đối vơi khách hàng tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay người tiêu dùng theo đạo Hồi… là khác nhau. Do đó, trong vấn đề này cần chú ý gạo được xây dựng thương hiệu phải phù hợp với từng thị trường, mang được những đặc tính nổi trội đáp ứng yêu cầu từng nhóm người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, theo tôi trong các dự án lớn của Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, đều phải có một mảng nội dung bên trong gắn với xây dựng thương hiệu nhằm đảo bảo việc xây dựng thương hiệu xuyên suốt, liên tục, lâu dài chứ không mang tư duy “nhiệm kỳ”…
Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Chưa có sản phẩm gỗ XK nào “Made in Vietnam”
Kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những năm gần đây đạt trung bình 7 tỷ USD/năm, tuy nhiên đến nay chưa có một sản phẩm nào có nhãn hiệu “Made in Vietnam” dán trên sản phẩm.
Đó là bởi, gỗ Việt Nam rất nhiều, diện tích rừng lớn nhưng gỗ có đường kính lớn lại rất nhỏ khi chỉ chiếm 10 – 15%, trong khi đây lại là những mặt hàng chủ lực để XK cũng như tạo ra các sản phẩm gỗ XK. Để đưa mặt hàng gỗ của Việt Nam có “tên” trên thị trường thế giới, đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một bộ phận của chuỗi cung ứng toàn cầu về gỗ và sản phẩm gỗ, Việt Nam phải làm được một số vấn đề. Đó là có chính sách khuyến khích lâu dài về phát triển ngành gỗ, điển hình như phải có chính sách thuế ổn định; có vùng quy hoạch phát triển gỗ chất lượng với nguồn vốn đầu tư tập trung; đặc biệt là phải có thị trường ổn định, sau đó mới tiến đến đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ theo kịp xu hướng của thế giới…
Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT): Phải thay đổi tư duy về chính sách phát triển nông nghiệp
Suốt thời gian dài sau đổi mới, chính sách đóng vai trò đột phá trong thành công của nền nông nghiệp Việt Nam, đưa Việt Nam từ nước thiếu gạo trở thành quốc gia có những mặt hàng nông sản XK hàng đầu thế giới. Song, định hướng nông nghiệp vẫn là phát triển theo chiều rộng nên lượng hàng hóa XK lớn nhưng lộn xộn, giá rẻ. 5 năm gần đây, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm. Thậm chí, nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp không hề tăng trưởng.
Muốn thực sự thay đổi tác phong, chuyển từ nền nông nghiệp kém cạnh tranh sang sản xuất theo chiều sâu, nâng cao giá trị và sự bền vững thì phải thông qua chính sách, tuy nhiên mấu chốt là thay đổi tư duy về chính sách của cả lãnh đạo lẫn người nông dân. Trước đây, có nhiều cách hiểu cho rằng, chính sách đơn giản là gói tiền lớn của Nhà nước để đem ra chia, hỗ trợ cho một số đối tượng. Cách hiểu đó hoàn toàn sai. Chính sách không phải là ban phát mà phải tạo động lực, kích thích để người dân tự phát huy nội lực của mình. Chính phủ nên đầu tư tiền vào cơ sở hạ tầng, khuyến nông, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, kết nối thị trường,… chứ không để nông dân ỷ lại vào sự hỗ trợ.
Đức Quang (ghi)
theo Báo Hải Quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã