Riêng trong tháng 8, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 432 nghìn tấn với giá trị đạt 191 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3,37 triệu tấn và 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 450 USD/tấn, tăng nhẹ 4,95% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2016 với thị phần 36%. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này chỉ đạt 1,04 triệu tấn và 476 triệu USD, giảm 21,6% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang một số thị trường khác cũng có xu hướng giảm mạnh gồm Philippines (giảm 66,4%), Malaysia (giảm 54,4%), Singapore (giảm 36,3%) và Hoa Kỳ (giảm 37,6%).
Riêng với Indonesia, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu khá cao.
7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 353 nghìn tấn và 140,4 triệu USD, tăng gấp 25,5 lần về khối lượng và gấp 26,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của thị trường này không bù đắp được sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống khác.
Xuất khẩu gạo Việt Nam từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2016. Nguồn: Bộ NN&PTNT.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) mới đây cũng đưa ra dự báo, xuất khẩu gạo năm nay ở mức xấp xỉ 6 triệu tấn, thấp hơn khoảng 500 nghìn tấn so với con số dự kiến đơn vị này đưa ra hồi đầu năm.
Kết thúc quý I/2016, xuất khẩu gạo tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2015, chủ yếu do các hợp đồng tập trung từ năm trước chuyển qua. Tuy nhiên, sang quý II, xuất khẩu gạo giảm đến 32% và Việt Nam gần như không ký thêm được hợp đồng tập trung mới nào để dẫn dắt thị trường.
Ngoài ra, thị trường tiếp tục chịu áp lực giảm từ việc Thái Lan bán gạo tồn kho với giá rất thấp. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến cho xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.
Đối với các thị trường khác có rào cản kỹ thuật cao như Mỹ, Nhật Bản, xuất khẩu gạo cũng gặp nhiều khó khăn. Tương tự, ở thị trường EU, lượng xuất khẩu gạo sang thị trường này cũng chứng kiến sự sụt giảm trong những năm gần đây do phía Việt Nam không đảm bảo được tiêu chuẩn từ phía EU đưa ra.
Trong bối cảnh thị trường đầu ra bế tắc thì giá xuất khẩu gạo cũng có xu hướng giảm. Giá gạo tại Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, ba nước chiếm khoảng 60% nguồn cung toàn cầu đang trong khuynh hướng giảm giá do nguồn cung tăng nhưng sức mua yếu.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, nhiệm vụ trọng tâm của ngành từ nay đến cuối năm 2016 là đảm bảo giữ vững tăng trưởng xuất khẩu, khắc phục thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường.
Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhất là đầu ra cho mặt hàng gạo, xây dựng xong tiêu chuẩn gạo Việt Nam vào cuối tháng 11 tới đây.
TUYẾT NHUNG
theo BizLIVE
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã