- PV: Xin giáo sư cho biết nhận định về chuỗi liên kết sản xuất hiện nay ở ĐBSCL?
>> GS-TS Võ Tòng Xuân: Có thể nhận định: ĐBSCL phát triển rất tốt về số lượng. Song, chất lượng nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Việt Nam đã và đang gia nhập nhiều hiệp định thương mại. Đây là lúc tất cả bà con nông dân phải quan tâm đổi mới phương thức sản xuất. Bản thân từng doanh nghiệp phải soi xét lại mình, tự cải tiến với các mô hình liên kết khoa học, gắn với chuỗi sản xuất toàn cầu nếu không muốn thua trên sân nhà và thị trường nước ngoài.
Lâu nay, nhược điểm của nông dân chúng ta là sản xuất tự do. Muốn trồng gì thì trồng, trồng xong lại chặt. Còn doanh nghiệp thì không nắm vững thị trường, không dám tạo ra vùng nguyên liệu và cũng không có điều kiện chăm sóc vùng nguyên liệu. Cả nông dân và doanh nghiệp không gặp nhau trong sản xuất hàng chục năm qua. Hiện nay, đời sống người dân khá hơn, nhưng nông dân trồng lúa còn rất nghèo. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lớn nhưng xuất khẩu thấp do hàng không đạt chất lượng.
- Giáo sư có thể chỉ ra các điểm yếu của chuỗi liên kết hiện nay?
Chúng ta nói nhiều về chuỗi liên kết nhưng rất ít chuỗi có kết quả tốt. Nguyên nhân do người làm ra nguyên liệu vẫn sản xuất theo “lão nông tri điền” lạc hậu. Bối cảnh hiện nay cần “canh nông tri điền”. Doanh nghiệp không dám nhảy vô bao tiêu, còn ngại đầu tư cho vùng nguyên liệu. Lâu nay, doanh nghiệp của ta thụ động chờ nước ngoài vào đặt hàng rồi mới triển khai thu mua nguyên liệu. Doanh nghiệp cần phải xông xáo tìm thị trường, kế hoạch sản xuất phải gắn chặt với thị trường. Đây là cách để loại bỏ tình trạng doanh nghiệp có ký hợp đồng với nông dân, nhưng vào vụ thu hoạch lại không xuất hiện, nông dân bơ vơ trên vùng nguyên liệu. Thực tế, có doanh nghiệp tìm đủ lý do để không mua sản phẩm.
- Vậy tới đây chúng ta cần làm gì để khắc phục điểm yếu này?
Nhiều hiệp định thương mại mở ra đồng hành với nó là nhiều thách thức và cơ hội. Chúng ta phải tận dụng tối đa cơ hội, câu chuyện cạnh tranh giờ đây hiển hiện ngay tại sân nhà chứ không chỉ là sân ngoại. Phương thức sản xuất tiến bộ là nông dân phải liên kết từ các tổ hợp tác, hợp tác xã (nông dân liên kết với nông dân, nông dân liên kết với doanh nghiệp…), như trong trồng lúa phải hình thành các cánh đồng sản xuất lớn. Chính quyền các địa phương và doanh nghiệp phải thật sự tham gia vào quá trình này. Hình thành được chuỗi liên kết này giúp nông dân sản xuất có địa chỉ, doanh nghiệp cũng mua hàng có xuất xứ rõ ràng. Vai trò của doanh nghiệp ở đây là ký hợp đồng với nông dân sản xuất, cùng với ngành nông nghiệp huấn luyện nông dân các phương thức sản xuất công nghệ cao. Có như thế mới mong nông dân tạo ra nguyên liệu tốt nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá thành thấp. Đây là tiền đề để tạo ra sản phẩm có thương hiệu, mẫu mã chất lượng cao nhất, tăng năng lực cạnh tranh của hàng nông sản và sản phẩm của doanh nghiệp.
Nhà nước cần phải có chính sách để hỗ trợ quá trình liên kết này, không nên để nông dân và doanh nghiệp làm theo kiểu tự phát, bơ vơ. Trong quá trình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, chúng ta cần áp dụng tốt kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Nông dân thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long |
- Lâu nay, nông dân làm ra nông sản nhưng chưa thể “mặc cả” về giá, theo giáo sư làm gì để tạo cho nông dân đặc quyền đó?
Mặc cả giá ở đây cần theo quy luật cung - cầu. Nếu nguồn cung nhiều, doanh nghiệp sẽ tìm chỗ rẻ mua hàng. Khi nguồn hàng hiếm, doanh nghiệp săn tìm mua với giá cao. Đây là tình trạng diễn ra hàng chục năm qua. Thực tế, một số doanh nghiệp có thương hiệu trong ngành lúa gạo đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, chăm sóc nông dân rất đàng hoàng, gắn với giá bao tiêu lúa cao hơn giá thị trường 5% - 10%. Chuỗi liên kết như thế nông dân rất hài lòng, doanh nghiệp cũng vui khi sản phẩm bán giá cao trên thị trường. Quyền “mặc cả giá” hiện nay có thể nằm chính trong chuỗi liên kết sản xuất gắn với sự phân chia lợi nhuận hợp lý giữa doanh nghiệp và nông dân.
- Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!
Cao Phong
Nguồn: nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã