Năm 2017 đã khép lại với một số thành công của ngành. Năm 2018 sẽ là năm tiếp tục triển khai sự trở lại mạnh mẽ của DN đầu tư vào nông nghiệp, “nông nghiệp công nghệ cao” hay “cách mạng 4.0”. “Cách mạng nông nghiệp xanh”, NN hữu cơ. Trong lĩnh vực XK nông sản, đã có đến 10 sản phẩm NN có kim ngạch XK tỉ USD, tạo nên trục sản phẩm chủ lực ở cấp quốc gia. Nông sản Việt Nam đã được XK đi được 180 nước trên thế giới. Năm 2017 đạt 36,37 tỉ USD.
Đây là minh chứng sống cho tính thích ứng cao với thị trường hơn 7 tỉ dân trong hội nhập. Đây cũng là cơ sở giúp NN Việt Nam tự tin xây dựng sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực giúp gia tăng cạnh tranh trong và ngoài nước.
Đối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), số liệu cập nhật đến hết năm 2017 cho thấy: Đã có 3.067 xã (tương đương 34%) được công nhận đạt chuẩn NTM (vượt mục tiêu kế hoạch năm 2017: Có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 707 xã (7,9%) so với năm 2016; bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 44 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh/thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 14 huyện so với năm 2016.
Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là năm đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của DN đầu tư vào ngành, đã có 1.955 DN thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014 - 2016, đưa tổng số DN đầu tư vào NN lên 5.700 DN, đặc biệt nhiều DN, tập đoàn lớn đã chọn NN công nghệ cao, NN hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỉ USD, đạt được những thành công rõ rệt.
Thưa Bộ trưởng, trong nhiều cuộc họp hay tại nhiều hội thảo, ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tái cơ cấu ngành NN và luôn trăn trở với tình trạng sản xuất manh mún, không bền vững. Với 78 triệu mảnh ruộng khó có thể bước đi trơn tru để theo kịp cách mạng công nghệ 4.0. Bộ trưởng dự tính tháo gỡ khó khăn này như thế nào?
- Để cơ cấu lại ngành NN, nguyên tắc đầu tiên là phải tuân thủ theo “mệnh lệnh” thị trường của thế giới. Thế giới có hơn 7 tỉ người; 3,5 tỉ người ăn gạo thế nhưng thương mại toàn cầu về gạo trung bình hằng năm của thế giới chỉ khoảng 35 - 36 tỉ USD/năm. Trong khi đó, giá trị riêng về trái cây tươi giao dịch thương mại toàn cầu khoảng 240 tỉ USD/năm, nước quả chế biến khoảng 270 tỉ USD/năm, tốc độ tăng trưởng dự báo trong vòng 5 năm nữa trung bình của mặt hàng này từ 2 - 3%. Như vậy gấp 8 - 9 lần lúa gạo.
Thứ hai, cơ cấu lại NN phải phát huy tối đa lợi thế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta là phải thích ứng, mà thích ứng thì không thể chỉ tập trung vào sản xuất lúa, không thể một vụ ở ĐBSCL sản xuất tới 1,7 triệu ha mà phải chuyển để làm sao sử dụng tài nguyên đất, nước một cách tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả.
Do đó, chúng ta phải tận dụng nước biển dâng để biến một số khó khăn, hạn chế thành điều kiện thuận lợi để sử dụng phù hợp, tận dụng nguồn tài nguyên. Vì vậy, trục sản phẩm chính ở vùng này phải là thủy sản. Trước đây là lúa gạo, thủy sản, trái cây, bây giờ cần phải cơ cấu lại, ưu tiên phát triển theo thứ tự thủy sản, trái cây và lúa gạo.
Để hiện thực hóa điều này, ngành NN nghiệp đã phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành tổ chức các hội nghị chuyên đề bàn giải pháp cụ thể và trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề lắng nghe ý kiến đóng góp làm cơ sở trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương, chính sách cụ thể.
Trước đó, Bộ đã tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng về việc xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển trái cây.
Hiện nay, Bộ NNPTNT đang xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17.11.2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL và thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó, Bộ NNPTNT được giao thực hiện 8 nhiệm vụ lớn vừa cấp bách vừa lâu dài từ xây dựng Chương trình tổng thể cơ cấu lại NN toàn vùng đến phát triển hạ tầng và sinh kế cho người dân. Đây là nhiệm vụ lớn của ngành năm 2018.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất, kiến nghị những chính sách cụ thể để phát triển sản xuất các mặt hàng này. Về cơ cấu lại NN, sẽ xây dựng bằng được 3 phân tầng sản phẩm: Nhóm chủ lực quốc gia; nhóm chủ lực địa phương và nhóm đặc sản làng/xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Theo đó, sẽ tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh, có giá trị kinh tế, có dư địa phát triển, đặc biệt để thành công chúng ta phải tăng cường năng lực dự báo cung cầu thị trường; định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường cùng với việc đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ tập trung xây dựng chuỗi giá trị...
Thưa Bộ trưởng, trong năm 2017, khi nói về con tôm Việt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có kỳ vọng Việt Nam sẽ là “thủ phủ” tôm thế giới. Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta có thể hy vọng con tôm Việt sẽ đứng ở vị trí số 1 thế giới trong tương lai?
- Hiện nay, với sản lượng gần 690 ngàn tấn và kim ngạch XK đạt gần trên 3,8 tỉ USD, ngành tôm nước ta đang đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách các nước XK tôm hàng đầu trên thế giới. Với những phân tích về tiềm năng, lợi thế về thị trường, điều kiện thời tiết, nguồn nhân lực, sự tham gia của cộng đồng DN... chúng ta có quyền hy vọng con tôm Việt Nam sẽ cải thiện vị trí trên danh sách các nước sản xuất và XK tôm hàng đầu thế giới.
Để làm được điều này, thời gian tới có rất nhiều việc cần sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các bộ ngành liên quan, cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự chung tay của cộng đồng DN, các hiệp hội và của người nuôi tôm. Đặc biệt là thực hiện tốt kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam đầu năm 2017 và kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm sắp được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút nhiều hơn nữa các DN đầu tư phát triển ngành tôm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao và các ngành dịch vụ hậu cần (công nghệ phụ trợ) cho ngành tôm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết và gắn với việc đầy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành để ngành tôm đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó tập trung để đảm bảo chủ động nguồn tôm bố mẹ trong nước, sản xuất và cung ứng giống có chất lượng, thực hiện việc giám sát dịch bệnh và giám sát đảm bảo ATTP... là những ưu tiên hiện nay để thúc đầy sự phát triển bền vững của con tôm. Vai trò của của DN luôn được đặt làm trung tâm trong chuỗi giá trị ngành tôm hiện nay.
Có thể thấy, những năm qua nhiều DN đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, chủ động tạo liên kết chuỗi với người dân để chủ động kiểm soát vật tư đầu vào và an toàn sản phẩm. Việc kêu gọi hợp tác trong giai đoạn vừa qua đã góp phần thu hút được lượng lớn nguồn lực cho ngành.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả ngành tôm đã đạt được và phát triển bền vững, người dân và các DN cần tập trung phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian; hình thành các doanh nghiệp xã hội trong nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm theo vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm.
Trong quá trình nuôi, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường; thay thế dần từ sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học; không sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất tôm. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển ngành tôm; chủ động về chế phẩm, thức ăn, con giống; tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng các chứng nhận quốc tế có uy tín; nâng cao năng lực chế biến đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu; quản lý môi trường, dịch bệnh; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về thị trường trong nước và trên thế giới; thúc đẩy đàm phán, xúc tiến thương mại; chú trọng phát triển xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc...
Năm 2017, XK nông sản Việt Nam đã đạt được kết quả tăng trưởng ngoạn mục với trị giá 36,37 tỉ USD. Năm 2018, hướng tới mục tiêu XK 40 tỉ USD, ngành NN có những “độc chiêu” gì để nâng cao giá trị các mặt hàng XK mũi nhọn, thưa Bộ trưởng?
- Như chúng ta đã biết, sức sản xuất NN hiện nay đã đáp ứng mức tiêu dùng cho 93 triệu dân, mà còn dư để XK ra thế giới. Bằng chứng là chúng ta đã XK tới 180 thị trường ngoài nước, tạo ra một nền kinh tế mở về NN, tức là cũng phải chấp nhận hàng hóa nông sản nhập khẩu. Vì vậy, chúng ta phải xác định những sản phẩm lựa chọn mang tính thế mạnh, có giá thành phù hợp, có thể cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng.
Đây là nguyên tắc chỉ đạo các kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nông sản Việt Nam đang tham gia tốt vào chuỗi giá trị toàn cầu, vị thế được khẳng định và có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch XK cao như hồ tiêu (kim ngạch XK năm 2017 đạt khoảng 1,12 tỉ USD), hạt điều (3,52 tỉ USD), cao su (2,26 tỉ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (7,6 tỉ USD) và điển hình trong năm qua phải kể đến các mặt hàng rau quả có kim ngạch tăng trưởng mạnh, đạt 3,45 tỉ USD hay riêng con tôm đã đem về 3,9 tỉ USD...
Hiện nay, trong 10 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỉ USD, đã có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD là tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ. Thời gian tới, Bộ NNPTNT xác định tôm và rau quả là hai mặt hàng có thế mạnh, còn nhiều dư địa phát triển và ngành NN đặt mục tiêu đến năm 2025 con tôm sẽ trở thành ngành hàng có giá trị 8 - 10 tỉ USD.
Xin cảm ơn Bộ trưởng. Nhân dịp đầu năm mới, xin gửi tới ông và toàn thể cán bộ, nhân viên ngành nông nghiệp lời chúc sức khỏe!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã