Học tập đạo đức HCM

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ Đông

Thứ bảy - 16/09/2017 08:47
Theo thông tin mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang Mỹ bị ảnh hưởng mạnh bởi đạo luật Farm Bill, trong khi đó trái cây Thái Lan đang ồ ạt khắp "sân nhà". XK cá tra sang Mỹ giảm mạnh do Farm Bill

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ có xu hướng giảm.

Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu (XK) cá tra trong tháng 8 vừa qua (tháng đầu tiên Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn NK theo Đạo luật Farm Bill), đã bị giảm mạnh.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong tháng 8 vừa qua, XK cá tra sang Mỹ đã giảm mạnh so với tháng 7 và so với cùng kỳ 2016. Cụ thể, XK cá tra sang Mỹ trong tháng 8 chỉ đạt 18,44 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 7 và giảm 54,8% so với tháng 8/2016. Nhà XK cá tra lớn là Cty Vĩnh Hoàn, trước đây XK sang Mỹ bình quân 250 container/tháng, trong tháng 8 chỉ xuất được 130 container.

Rõ ràng, việc Mỹ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn NK theo Đạo luật Farm Bill đã tác động ngay tới XK cá tra Việt Nam sang thị trường này. Thông tin từ các DN XK cá tra cho thấy, đã xuất hiện những khó khăn lớn đối với cá tra Việt Nam khi XK sang Mỹ.

Trước hết là tình trạng quá tải. Đến thời điểm này, các DN XK cá tra sang Mỹ đã ghi nhận việc một số nhà NK lớn đã có kho riêng được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xét duyệt làm I-house. Nhưng đa số các cảng vẫn đang thiếu nhân viên kiểm tra của Cơ quan Thanh tra và ATTP (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Vì vậy, thời gian trung bình từ lúc hàng vào kho và xin lịch kiểm cho đến ngày kiểm hàng trung bình là 6 ngày. Đa số kiểm sát viên phải kiểm hàng ở ít nhất 2-3 kho/ngày, làm giảm số lượng container hàng có thể kiểm, tăng thời gian chờ đợi cũng như chi phí kho và chậm việc lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Chương trình kiểm tra hàng đến của FSIS làm tăng chi phí khoảng 0,1-0,25 USD/kg sản phẩm (tương đương 3-7% giá bán), qua đó làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của cá tra trên thị trường Mỹ.

Vụ Đông 2017 phấn đấu đạt 26 - 28 nghìn tỉ đồng

Các địa phương phía Bắc đang chuẩn bị cho vụ Đông.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp  và PTNT), mặc dù diện tích gieo trồng vụ Đông 2016 giảm, nhưng tổng giá trị vẫn đạt khoảng 25.000 tỉ đồng, tăng 2.700 tỉ so với năm 2015. Điều này khẳng định, sản xuất vụ Đông đang chuyển dần từ “lượng sang giá trị” hướng đến nâng cao giá trị gia tăng.

Theo nhận định chung, vụ Đông năm 2017 thuận lợi thời tiết, ít mưa nhưng lượng nước dồi dào từ các hồ chứa tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương sản xuất vụ Đông.

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ vụ Đông 2016, để đạt mục tiêu vụ Đông 2017 với diện tích đạt 410.000ha, tổng giá trị từ 26.000 - 28.000 tỉ đồng; giá trị sản xuất trung bình từ 65 - 70 triệu đồng/ha… các địa phương khu vực phía Bắc cần xác định rõ đối tượng, cơ cấu giống. Tập trung các giải pháp mở rộng diện tích căn cứ vào lợi thế và điều kiện của từng địa phương trong chỉ đạo điều hành. Một số ý kiến cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ giá vật tư đầu vào, quy mô, phương thức sản xuất hợp tác đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông sớm, trong đó chú trọng đến việc hình thành và nhân rộng các chuỗi giá trị…

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo, ngoài cây trồng chủ lực là ngô phát triển theo hướng lấy hạt và sản xuất “sinh khối” làm thức ăn cho đại gia súc, các địa phương cần tiếp tục đa dạng hoá các nhóm cây rau, quả có giá trị kinh tế cao. Trong đó, chú trọng  ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực tiêu thụ cho nông dân.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bệnh lùn sọc đen trên ngô dự báo sẽ phát sinh và gây hại tại một số địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An... do các tỉnh, thành phố này đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen trên lúa.

 Việt Nam nỗ lực xây dựng nghề cá bền vững, hiệu quả

Toàn cảnh buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có buổi làm việc và trao đổi với Đại sự Bruno Anganet, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong việc tăng cường quản lý nghề cá theo quy định của EU về ngăn chặn, hạn chế và loại bỏ đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã thể hiện quyết tâm thực hiện các quy định IUU nhằm tăng cường quản lý nghề cá ở Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả. Về vấn đề khai thác bất hợp pháp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Việt Nam không dung túng các hành vi tàu cá vi phạm vùng biển các nước và xử lý nghiêm các vi phạm. Chính phủ rất quan tâm khắc phục, xử lý vấn đề này”.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/8, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Công điện số 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tại cuộc họp này, các địa phương đã thể hiện quyết tâm rất cao nhằm chấm dứt tình trạng ngư dân, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. “Từ tháng 8 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi không có ngư dân nào vi phạm vùng biển của các nước. Đây là một tín hiệu tích cực” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Việt Nam đã điều tra, nắm bắt được nguồn lợi thủy sản; Trên cơ sở này, Bộ sẽ kiểm soát đóng mới tàu cá, khai thác nguồn lợi theo hướng giảm khai thác ven bờ, giữa tàu khai thác xa bờ 30.000 tàu, tổ chức lại việc khai thác hải sản theo hướng giảm những nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như lưới kéo, hướng tới phát triển nghề cá bền vững. Về kiểm soát tàu, hiện có 3 dự án thí điểm, lắp đặt thiết bị giám sát trên 12.000 tàu. Trong thời gian tới, Việt Nam phấn đấu 100% tàu khai thác xa bờ sẽ được lắp thiết bị giám sát và bật thiết bị kết nối 24/24h. Bộ cũng đang xây dựng đề án khai thác viễn dương, ký kết hợp tác với các nước nhằm tổ chức khai thác hợp pháp; đồng thời thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp...

Theo Bộ trưởng, việc thực hiện các quy định IUU là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế chính sách, các chương trình, đề án nhằm khai thác hải sản một cách bền vững, hiệu quả. Song, do đặc điểm nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, trình độ ngư dân có hạn nên không thể một sớm, một chiều có thể hoàn thiện như các nước phát triển.

Trước những nỗ lực của phía Việt Nam, đại sứ Bruno Anganet đánh giá cao phía Việt Nam đã và đang làm được nhiều việc để thực hiện quy định IUU. Ông cam kết sẽ cùng lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Bộ NN&PTNT tiếp tục trao đổi, bàn thảo để giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn trong việc triển khai, thực hiện quy định IUU.

Trái cây Thái Lan nhập ồ ạt vào Việt Nam

Số liệu mới công bố của Bộ NN-PTNT cho thấy, giá trị nhập khẩu rau quả trong 8 tháng năm nay đạt 1,02 tỉ USD, tăng gần 94% so cùng kỳ. Đáng lưu ý, giá trị nhập khẩu rau quả từ Thái Lan tăng gấp 3,2 lần với tổng giá trị lên đến 18.000 tỉ đồng, chiếm hơn 60% tổng giá trị rau quả nhập vào VN. 

Lý giải nguyên nhân rau quả Thái Lan gia tăng vào VN, ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng hàng hóa của Thái Lan và VN có sự tương đồng về cơ cấu, song sức cạnh tranh của VN kém hơn. “Việc giảm thuế nhập khẩu rau quả về 0% theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN đang gây áp lực lớn lên trái cây VN. Nhưng nếu nhiều mặt hàng trong nước có thể sản xuất được mà nhập khẩu lại tăng mạnh thì cơ quan quản lý cần chú tâm hơn”, ông Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên trong cuộc họp thường kỳ mới đây do Bộ NN-PTNT tổ chức vào đầu tháng 9, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng qua kiểm tra số liệu đầu nhập khẩu vào và đầu xuất khẩu đi qua các cửa khẩu phía nam và Lạng Sơn, cơ quan này nhận thấy lượng trái cây Thái Lan nhập vào VN như bòn bon, nhãn, măng cụt, mít, xoài... chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất. “90% lượng trái cây này chỉ tạm nhập từ Thái Lan vào VN để tái xuất sang thị trường Trung Quốc. Đó là lý do vì sao lượng hoa quả tươi từ Thái Lan sang VN tăng vọt trong thời gian gần đây”, ông Hoàng Trung nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng có sự nhầm lẫn về cách hiểu hay cách tính số liệu nhập khẩu ở đây. Bởi hàng hóa tạm nhập tái xuất không thể tính bao gồm trong số liệu hàng nhập. Cần phân định rõ, hàng nhập khẩu vào VN là dùng để sản xuất, chế biến ra thành phẩm để tiêu thụ trong nước và để xuất khẩu. Còn hàng tạm nhập tái xuất chỉ là quá cảnh tại VN, không đưa vào tiêu thụ trong nước, nên nói trái cây Thái Lan nhập khẩu mạnh vào VN mà có đến 90% được tái xuất là không đúng. 

Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập532
  • Hôm nay44,192
  • Tháng hiện tại749,305
  • Tổng lượt truy cập90,812,698
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây