Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới giữa tháng 7.2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 306,5 triệu USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2016. Do giảm nhập khẩu nên Mỹ đã lùi về vị trí thứ 4 trong số các thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam, nhường vị trí số 1 cho Nhật Bản.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ bị cạnh tranh gay gắt...
Bà Tô Tường Lan – Phó Tổng thư ký VASEP thông tin, tôm Việt Nam sang Mỹ nửa đầu năm nay có chiều hướng đi xuống do tác động việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11). Các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump cũng phần nào ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp Mỹ.
Ngoài ra, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường Mỹ, cũng phần nào làm giảm giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ. Các nhà nhập khẩu dự báo, năm 2017, xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Mỹ sẽ vượt mức của năm 2016 do 7 tháng đầu năm, khối lượng tôm xuất khẩu của Ấn Độ sang thị trường này đã tăng 56,4%.
Trong khi đó, về phía Việt Nam, nhiều rào cản chồng chất, cả về chất lượng, thuế chống bán phá giá… đang khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo dự báo của một số chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường Mỹ vẫn đang tăng trưởng nhanh, đặc biệt từ nay đến cuối năm. Do đó, VASEP kỳ vọng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giai đoạn này dự kiến tăng so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù tốc độ tăng trưởng không cao.
... nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng tăng trưởng khá trong quý cuối năm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, ngoài những khó khăn hiện tại, kể từ năm 2018, Mỹ và EU sẽ áp dụng quy định bắt buộc các nhà nhập khẩu tôm phải thực hiện cấp chứng chỉ ASC và BAP, đồng thời thực hiện việc truy xuất điện tử các chứng chỉ này. Còn đối với các sản phẩm tôm sinh thái, từ năm 2018, thị trường Mỹ và EU còn yêu cầu phải có thêm các chứng nhận về quy trình nuôi sinh thái.
Những yêu cầu mới này là điều rất khó thực hiện cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là với hình thức nuôi tôm sinh thái của Việt Nam như tôm rừng tại một số tỉnh ven biển ở ĐBSCL.
Theo ông Quang, quy mô các hộ nuôi tôm rừng thường rất nhỏ lẻ, trung bình chỉ từ 3 - 5ha/hộ, sản lượng tôm sinh thái mỗi ngày chỉ 5 - 10kg/hộ, không đủ để có thể cấp chứng nhận cho từng lô hàng của từng hộ nuôi nên không thể truy xuất được nguồn gốc.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú (ấp Biện Nhạn, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), nuôi tôm rừng là mô hình sản xuất nông nghiệp từ lâu ở các vùng ven biển Cà Mau. Tuy nhiên, do hình thức quảng canh chưa hiệu quả, lại không được chăm sóc, đầu tư đúng mức nên hiện nay, năng suất của mô hình này chỉ đạt 700 kg/ha. Do đó, nếu chiếu theo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của Mỹ, các hộ nuôi riêng lẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Khải Huyền (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã