Giá trị thấp... Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2012 đạt 6,5 triệu tấn, trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng gần 6,5% về khối lượng so với 6,1 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 27% so với 5,1 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2010. Xét về khối lượng, hiện, Việt Nam chính thức vượt lên để trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, xét về kim ngạch xuất khẩu, trong số ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay thì Việt Nam lại đứng hạng cuối cùng. Theo thống kê của Bộ Thương mại Thái Lan, 9 tháng đầu năm 2012, Thái Lan đã xuất khẩu 5,3 triệu tấn, thu về 3,5 tỷ USD. Riêng đối với Ấn Độ, trong cùng thời điểm, lượng gạo xuất khẩu cao hơn so với Thái Lan 0,5 triệu tấn, đạt 5,8 triệu tấn, nhưng kim ngạch lại thấp hơn, chỉ đạt 3 tỷ USD. Ông Tikhumporn Natvaratat, Phó Tổng giám đốc Cục Ngoại thương của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, hiện, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nếu tính theo giá trị bởi vì giá gạo xuất khẩu Thái Lan cao hơn Việt Nam gần 30% và 14,6% so với Ấn Độ. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan có mức giá 570 USD/tấn, trong khi gạo Ấn Độ là 460 USD/tấn và của Việt Nam 490 USD/tấn. “Nhất” để làm gì? Với chương trình trợ giá cho nông dân, xuất khẩu gạo Thái Lan mất khả năng cạnh tranh trên thị trường bởi giá gạo xuất khẩu cao do giá thu mua ở thị trường nội địa cao. Mặc dù đã có nhiều ý kiến phản đối về chương trình này, cho rằng, chương trình thế chấp gạo là hiểm họa đối với kinh tế Thái Lan. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan vẫn tiếp tục bảo vệ chương trình này và cho biết sẽ không có kế hoạch rút lại do chương trình vẫn đang mang lại lợi ích cho nông dân Thái Lan. Theo Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra: Việc trợ giá đã nâng thu nhập và mang đến lợi ích cho nông dân. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Trong năm 2012, Thái Lan có thể đứng sau Việt Nam nhưng nông dân của họ được hưởng lợi từ chính sách trợ giá, còn Việt Nam đứng đầu mà giá thu mua lúa thấp hơn năm trước thì cũng không giúp nông dân cải thiện thu nhập. Vừa qua, Lãnh đạo Cục Lúa gạo Thái Lan đã sang thăm Viện Lúa ĐBSCL và họ chia sẻ rằng, Thái Lan không quan tâm đến vị trí nhất, nhì thế giới mà quan trọng là nông dân được hưởng lợi. Còn TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) chia sẻ: Việt Nam không nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay nhì trong xuất khẩu gạo mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn của phát triển và lợi ích lâu dài của nông dân. Vị trí nhất hay nhì chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc mà đó có thể là một cái bẫy với nhiều ảo tưởng và mang lại nhiều rủi ro. Lợi ích trong dài hạn phải thuộc về nông dân, bảo đảm tốt nhất cho an ninh lương thực quốc gia.
| |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã