Mới bước vào tháng thứ hai của năm 2017, thị trường đã đón nhận những tin vui từ nhóm hàng xuất khẩu rau quả. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2017, xuất khẩu rau quả tiếp tục giữ phong độ, kim ngạch đạt 230 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác như: Gạo (125 triệu USD, giảm tới 52,6%), hạt điều (180 triệu USD, giảm 4,3%), hạt tiêu (70 triệu USD, giảm 21,6%)…
Hiện rau quả Việt Nam đã vươn tới gần 60 thị trường trên thế giới. Riêng vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn… đã hiện hữu tại những thị trường lớn rất khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, gần đây, 5 mặt hàng rau quả Việt Nam đã vượt qua hàng rào kỹ thuật đi tới 4 thị trường mới: Xoài đi Úc, thanh long sang Đài Loan, nhãn và vải tới Thái Lan.
Để xuất khẩu được vào những thị trường này, chất lượng rau quả phải đáp ứng tốt các điều kiện kiểm soát về dịch hại rất ngặt nghèo.
Chẳng hạn, riêng trong năm 2016, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã kiểm dịch trên 10.500 tấn hoa quả tươi xuất khẩu đi các thị trường khó tính, tăng gần gấp hai lần so với năm 2015, khẳng định chất lượng trái cây Việt Nam ngày càng được cải thiện, được người tiêu dùng ở các nước phát triển chấp nhận.
Nhờ đó, từ vị trí rất khiêm tốn, rau quả đã có những bước đi “thần tốc” để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Thực tế đó cũng cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, quảng bá cho trái cây Việt.
Tuy vậy, niềm vui dường như chưa trọn vẹn khi còn đó nhiều nỗi trăn trở.
Nhiều ý kiến cho rằng, rau quả xuất khẩu phải đặt chất lượng lên hàng đầu, tránh tình trạng mải mê chạy theo sản lượng mà quên đi chất lượng. Ví dụ, gạo từng đạt lượng xuất khẩu đến 8 triệu tấn nhưng vì mải chạy theo sản lượng, thành tích xuất khẩu, nên hậu quả là cạnh tranh yếu, bế tắc thị trường, không có thương hiệu.
Hơn nữa, hiện thị trường Trung Quốc vẫn “ăn” trên 50% tổng lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Việc phụ thuộc vào một thị trường dễ tính, tiêu chuẩn chất lượng nào cũng mua, sẽ có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất, chất lượng sản phẩm, nguy cơ rủi ro cao…
Nhiều chuyên gia dự báo, xuất khẩu rau quả trong năm 2017 sẽ mang về cho Việt Nam hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, để “hương thơm, vị ngọt” của rau quả Việt Nam tiếp tục vươn xa ngàn dặm, còn rất nhiều việc phải làm. Trong xuất khẩu không có chuyện “hữu xạ tự nhiên hương”.
Theo baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã