Nỗ lực vượt “sóng gió” Dù đã có nhiều cố gắng nhưng do đối diện với nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước nên kim ngạch xuất khẩu nước ta trong năm 2012 không được như mong muốn. Theo số liệu từ VASEP, tính đến giữa tháng 10/2012, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ cuối quý II/2012, xuất khẩu tôm đã bắt đầu xu hướng giảm sút. Cụ thể, tháng 6/2012 giảm 4% so với tháng 6/2011, tháng 7 giảm 6,8%, tháng 8 giảm 21,6%, tháng 9 giảm 23,1% và nửa đầu tháng 10 giảm 7,6%. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn như năm nay, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm 2011. Đối với ngành cá tra, những khó khăn tiếp diễn từ quý II/2012 như giá cá tra liên tục giảm sút, người nuôi “bỏ nghề, treo ao”, thiếu vốn và nguyên liệu cho sản xuất và chế biến xuất khẩu, nhu cầu tại thị trường chủ lực EU giảm sút... khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra của nước ta tính từ đầu năm đến giữa tháng 10/2012 chỉ đạt hơn 1,36 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu cá tra trong năm nay sẽ đạt gần 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011. Các mặt hàng hải sản đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm ngoái… “Bức tranh” buồn trong năm tới Dự báo của VASEP cũng cho thấy, xuất khẩu thủy sản năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục gặp khó. Trong năm 2013, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất nhiều hơn, tăng 30% so với năm 2012 với kim ngạch đạt trung bình 65 - 70 triệu USD/tháng. Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU, một trong những thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản nước ta vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng âm về kim ngạch, giảm khoảng 12 - 15% so với năm 2012. Đồng thời, tại thị trường Nhật Bản, vấn đề Ethoxyquin sẽ tiếp tục chi phối xuất khẩu tôm sang thị trường này, do vậy xuất khẩu tôm sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung sẽ giảm 1,5 – 2% so với năm 2012. Ngoài ra, sự cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản trên thế giới sẽ ngày càng gay gắt, trong đó Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ có xu hướng hạ giá bán sản phẩm tôm, Bangladesh bắt đầu thúc đẩy sản xuất tôm thẻ chân trắng... tạo áp lực lên mặt hàng tôm xuất khẩu của nước ta. Đối với cá tra, mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, song Thái Lan, Phillipines và nhiều nước khác đang tích cực đầu tư vào việc nuôi, xuất khẩu cá tra để sẵn sàng cạnh tranh với Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với ngành thủy sản trong năm tới vẫn chính là thiếu vốn cho sản xuất. Nhìn chung, “bức tranh” của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2013 sẽ không mấy sáng sủa nếu không có một giải pháp hữu hiệu trong vấn đề khơi thông vốn phục vụ cho thủy sản. Công Thương | |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã