Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam thừa nhận năm 2020 người nuôi gà gặp quá nhiều khó khăn. Và khó khăn này sẽ còn kéo dài sang cả năm 2021, đòi hỏi chúng ta phải rà soát, tính toán lại để sản xuất phù hợp với thị trường.
Thưa ông, năm 2020 giá các sản phẩm gia cầm liên tục ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhiều trang trại lâm cảnh nợ nần phải bỏ nghề. Ông có thể phân tích nguyên nhân tình trạng này?
- Năm 2019 dịch tả lợn châu Phi hoành hành khắp cả nước khiến mọi người đều cho rằng, thịt lợn sẽ thiếu hụt, giá tăng cao, người tiêu dùng sẽ chuyển sang ăn thịt gia cầm, trứng…
Không phải do Bộ NNPTNT khuyến cáo, mà đó cũng là tín hiệu của thị trường, nuôi lợn thì sợ dịch. Rất nhiều người chăn nuôi lợn đã tự chuyển đổi sang nuôi gia cầm, trong đó chủ yếu là nuôi gà vì có thể quay vòng vốn nhanh, dễ tiêu thụ.
Tại các siêu thị, thịt gà nhập khẩu đông lạnh đang được bán với giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại ở trong nước khoảng 30-40%.
Cụ thể, chân gà CP bán với giá 46.500 đồng/kg, gà thả vườn 154.900 đồng/kg, gà ta 105.900 đồng/kg (khuyến mãi còn 85.900 đồng/kg).
Còn đùi gà đông lạnh xuất xứ Mỹ có giá 39.900 đồng/kg, gà nguyên con (không đầu, không cánh, không chân) giá chỉ 57.900 đồng/kg.
Ngay trong Hiệp hội Gia cầm chúng tôi, có những đơn vị tăng sản lượng lên tới 30%, ví dụ như Công ty Giống gia cầm Minh Dư, trước đây công suất chăn nuôi khoảng 35 triệu con gà màu, nay tăng lên 50 triệu con. Sắp tới Minh Dư tiếp tục đầu tư thêm 2 cơ sở nữa, nâng công suất lên 100 triệu con gà lông màu. Đó là chưa kể tổng đàn gà giống khoảng 680.000 con...
Chỉ một công ty mà năng lực sản xuất đã lớn như vậy rồi, thêm hàng loạt công ty khác nữa cũng mở rộng mảng chăn nuôi gà thì chắc chắn sản lượng tăng cao kỷ lục.
Trong khi số liệu thống kê cả nước hiện nay chỉ có khoảng 525 triệu con gà. Tôi cho rằng con số thực tế lớn hơn nhiều, ước tính sản lượng gia cầm của Việt Nam phải nằm trong top 10 thế giới.
Do dự báo thị trường không chính xác đã dẫn tới điều hành sản xuất không theo kịp thị trường. Năm nay lại dính đại dịch Covid-19, nên có những thời điểm, người chăn nuôi phải bán tống bán tháo vì để lâu thì gà cũng quá lứa, khiến cho giá gà nói riêng và giá gia cầm nói chung giảm rất sâu.
"Nông hộ có thể lựa chọn nuôi các giống gà đặc sản, gà thảo mộc, hoặc những giống gà chất lượng cao, trọng lượng vừa phải (từ 1-1,5kg/con) nhưng chất lượng thơm ngon thì sẽ dễ bán được với giá cao".
Ông Nguyễn Thanh Sơn
Thưa ông, có ý kiến cho rằng ngành nuôi gà của Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ lượng gà nhập khẩu, đặc biệt là gà loại thải. Nếu không siết lại khâu này, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ bị "bóp chết"?
- Năm 2020, sản lượng thịt gà nhập khẩu lên tới gần 200.000 tấn, chủ yếu đến từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil... Trong đó phần lớn xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc với sản phẩm là cánh gà, đùi gà góc tư, đùi tỏi gà, giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm trong nước.
Sản lượng thịt nhập ngày càng tăng, vì các nước khác cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên cứ nơi nào có chỗ tiêu thụ là các doanh nghiệp tìm cách tuồn vào.
Đáng lo ngại nhất là các lô hàng gà loại thải của Trung Quốc, gần đây là gà loại thải của Thái Lan đi qua con đường từ Campuchia tràn vào Việt Nam, bán giá cực rẻ, chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/con gà. Điều này khiến giá gà trong nước không cạnh tranh nổi, rẻ khủng khiếp.
Dự báo năm 2021, ngành gà vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chắc chắn chưa có tín hiệu cải thiện từ thị trường.
Thực ra câu chuyện gà loại thải, hay gà tạm nhập tái xuất không mới mà đã có từ nhiều năm nay. Năm nào các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý, nhưng với các chiêu bài tinh vi, trà trộn bằng cách nào đó vẫn có những lô hàng gia cầm nhập lậu tràn vào thị trường.
Vậy những chuỗi liên kết sản xuất gà lớn ví dụ như C.P, Dabaco, De Heus, hay Tập đoàn Hùng Nhơn… có tương lai hơn không, thưa ông?
- Hy vọng bây giờ là làm thế nào để khơi thông đầu ra sản phẩm gia cầm. Lâu nay các công ty sản xuất giống chỉ chăm chăm sản xuất con giống, nhưng bây giờ phải liên kết lại, xem xét lại quy mô, theo tôi không nên tăng đàn nữa.
Trước mắt dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch còn nhiều khó khăn nên không thể trông chờ vào sức tiêu thụ từ các nhà hàng, quán ăn… Tiêu thụ trong nước chưa thể tăng lên được.
Cánh cửa nhiều triển vọng nhất bây giờ là mở rộng xuất khẩu. Mới đây Công ty CP chăn nuôi C.P đã có lô hàng đầu tiên sang Hongkong, sắp tới là thị trường Nhật Bản, tiến tới EU… Dự kiến mỗi năm C.P giết mổ khoảng 50 triệu con gà, trong đó thịt gà chế biến khoảng 30% và xuất khẩu khoảng 20% trong số đó.
Thứ hai là tập trung xuất khẩu con giống. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì vừa qua đã có những lô hàng con giống xuất đi Myanmar, Bangladesh… Năm 2019, chúng ta đã xuất khẩu được gần 1 tỷ USD sản phẩm chăn nuôi. Hy vọng năm 2021, khi dịch Covid-19 kiểm soát được thì mảng này sẽ được đẩy mạnh hơn.
Để xuất khẩu thì chỉ có doanh nghiệp mới làm được. Vậy trong cuộc chơi này, các nông hộ đứng ở đâu, thưa ông?
- Đúng vậy, những anh vươn ra thị trường lớn thì chắc chắn phải là doanh nghiệp, còn nông dân làm ăn nhỏ lẻ buộc phải chọn những phân khúc sản phẩm phù hợp để phục vụ thị trường trong nước. Bên cạnh đó, nông dân cũng phải tìm cách liên kết với doanh nghiệp. Nếu cứ đứng độc lập một mình thì không thể tồn tại lâu dài, anh không thể mang vài ngàn con gà đi bán rong được. Thương lái sẽ "bóp chết".
Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã