Hơn 1 tháng trở lại đây, gần 20 quầy hàng kinh doanh mặt hàng thịt bò tại chợ TP Hà Tĩnh vẫn chưa buôn bán trở lại.
Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Tĩnh như: chợ TP Hà Tĩnh, chợ Vườn Ươm, chợ Cầu Đông…, các quầy hàng thịt bò đều chưa hoạt động trở lại vì nhu cầu thị trường hạn chế.
Chị Trần Thị Thủy - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Hơn 1 tháng trở lại đây, gần 20 quầy hàng chuyên kinh doanh thịt bò tại chợ đã nghỉ hẳn vì không bán được hàng. Kinh doanh mặt hàng thịt bò vốn bỏ ra nhiều nên nếu chỉ bán được ngày vài cân thì chắc chắn lỗ".
Theo chị Trần Thị Thủy - tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh, kinh doanh mặt hàng thịt bò vốn bỏ ra nhiều nên nếu bán được ngày vài cân thì chắc chắn lỗ.
Qua khảo sát, hiện nay, dù dịch bệnh viêm da nổi cục cơ bản đã được khống chế nhưng người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng thịt bò và tìm các lựa chọn khác thay thế. Chị Trần Huyền Anh (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thịt bò vốn là loại thực phẩm chính trong gia đình nhưng từ khi thông tin dịch bệnh liên tục xuất hiện, gần 2 tháng nay, tôi không mua thịt bò nữa mà đổi sang các món ăn khác. Nói chung, bản thân người nội trợ luôn chọn phương án an toàn cho gia đình nên mình cũng chờ đợi thêm xem diễn biến dịch bệnh như thế nào đã”.
Theo khảo sát của nhiều địa phương, ở các chợ dân sinh lớn, tình hình mua bán thịt bò cũng chưa ghi nhận dấu hiệu “ấm” lên. Thậm chí, ở huyện Cẩm Xuyên, có hơn 90% số quầy kinh doanh mặt hàng này đang phải tạm thời đóng cửa.
Nhiều năm kinh doanh tại chợ, anh Trần Văn Xuân (chợ Hội, thị trấn Cẩm Xuyên) chưa bao giờ chứng kiến cảnh “treo quầy” mặt hàng thịt bò trong thời gian dài như vậy.
Lò giết mổ gia súc tập trung Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) hiện tại vẫn chưa khôi phục lại hoạt động giết mổ trâu, bò vì việc buôn bán của tiểu thương đình trệ.
Anh Xuân cho biết: “Người dân không có ai hỏi mua, các mối sỉ thì ngừng nhập hàng, hoạt động kinh doanh đình trệ nên mấy người bán ở chợ này phải nghỉ hẳn, có một số thì cầm cự bằng việc chuyển sang bán thịt gà, thịt vịt để giữ quầy, giữ khách”.
Vì nhu cầu thị trường hạn chế nên hàng loạt cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại Hà Tĩnh cũng chung cảnh khó khăn kéo dài và chưa có dấu hiệu phục hồi. Ông Phan Xuân Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên cho biết: “5 lò mổ trên địa bàn đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện trở lại hoạt động giết mổ trâu, bò. Chuỗi cung ứng, mua bán còn bị ảnh hưởng dài nếu người tiêu dùng tiếp tục “quay lưng” với mặt hàng thịt bò”.
Hầu hết các quán ăn, nhà hàng có sử dụng thịt bò đều phải chuyển sang kinh doanh món ăn khác hoặc tạm đóng cửa để chờ thị trường ổn định trở lại. Trong ảnh: Quán phở Thìn Hà Nội (TP Hà Tĩnh) chuyển sang bán bánh đa cua, bún ốc, phở gà...
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở TP Hà Tĩnh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Trương Hữu Hà - chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, tiểu thương kinh doanh quá ế ẩm, không đến nhập hàng nên chúng tôi đã cho dừng hẳn việc giết mổ bò (bình thường cơ sở thực hiện giết mổ từ 10 – 12 bò con/đêm). Tôi cũng phải giảm bớt công nhân, cố gắng xoay xở để cầm cự qua giai đoạn này”.
Tình hình tiêu thụ thịt bò ảm đạm cũng khiến nhiều quán ăn, nhà hàng từng “nhạy bén” dừng bán thịt bò để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác hiện vẫn chưa thể trở về kinh doanh như cũ.
Anh Nguyễn Mạnh Tưởng - chủ tiệm phở Thìn Hà Nội (đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tiệm của tôi không bán phở bò hơn 1,5 tháng trở lại đây. Vì áp lực từ tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác nên chúng tôi đành chuyển sang bán bánh đa cua, bún ốc, phở gà... Không biết bao giờ người dân mới sử dụng lại thịt bò để hoạt động kinh doanh của chúng tôi có thể trở lại bình thường được”.
Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Hà Tĩnh cơ bản được khống chế.
Theo ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong thời gian qua, ngành chuyên môn, các cơ quan truyền thông đã phối hợp, thường xuyên tuyên truyền khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Bộ NN&PTNT là dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Thế nhưng, qua nắm bắt, tình hình kinh doanh những mặt hàng này vẫn đang rất ảm đạm.
Hiện nay, nhờ triển khai quyết liệt, việc tiêm phòng vắc-xin đạt kết quả cao nên Hà Tĩnh đã cơ bản khoanh vùng, khống chế được các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, nhất là ở các địa phương tiêm phòng đạt tỉ lệ cao như: Đức Thọ, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Vũ Quang, TX Hồng Lĩnh… Việc theo dõi, chăm sóc, quản lý trâu, bò bị nhiễm bệnh cũng đang được tập trung nên người tiêu dùng có thể yên tâm, không nên tẩy chay thịt trâu, bò để góp phần khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi trên địa bàn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã