Bà Trần Thị Yên ở thôn 6, xã Sơn Giang phun thuốc phòng trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn
4 sào lúa vụ xuân của gia đình bà Trần Thị Yên ở thôn 6, xã Sơn Giang đang giai đoạn đẻ nhánh thì 2 sào bị bệnh đốm sọc vi khuẩn với tỷ lệ 5 - 7 %. Trên lá lúa xuất hiện những vết sọc rồi dần ngả ố vàng. "Không để bệnh lan rộng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, tôi tiến hành phun thuốc Xantocin 40WP ngay để diệt vi khuẩn gây bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho cây lúa” - bà Yên cho hay.
Thời tiết ngày càng biến đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để cho bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại trên lúa. Toàn xã Sơn Giang có khoảng 1,5 ha lúa xuân bị bệnh đốm sọc vi khuẩn rải rác tại các thôn 2, 3, 5 và 6 trên các giống lúa Thái Xuyên 111 và MHC2.
Bệnh đốm sọc vi khuẩn sẽ gây cháy lá, ảnh hưởng đến năng suất sản lượng
Ông Hồ Hải Nam - cán bộ nông nghiệp xã Sơn Giang cho biết: Từ hướng dẫn của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, phát thông báo tới các thôn, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các biện pháp phòng trừ, không để bệnh lây lan ra diện rộng. Hiện nay, toàn bộ diện tích bị nhiễm đã được phun thuốc phòng trừ.
Còn tại xã Sơn Tây có 5 ha bị nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn tại thôn Cây Tắt và Hồ Sen. Nhờ phát hiện diện tích nhiễm bệnh, bà con triển khai phòng trừ bệnh sớm nên những phần lá lúa trổ sau không bị nhiễm bệnh.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện kiểm tra tỷ lệ lúa xuân bị nhiễm bệnh tại xã Sơn Tây
Theo ông Phan Ngọc Duy - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, để bảo vệ lúa xuân, chính quyền chỉ đạo người dân áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật như: điều chỉnh mức nước trên ruộng lúa thích hợp, hạn chế sử dụng các loại phân bón qua lá và phân đạm; đồng thời, sử dụng một số thuốc hóa học nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra.
Qua thống kê của cơ quan chuyên môn, từ cuối tháng 2, lúa vụ xuân trên địa bàn huyện Hương Sơn đã xuất hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn hầu hết trên giống lúa Thái Xuyên 111 với tỷ lệ trung bình 3 - 5%, nơi cao 7 - 10%, cục bộ có ruộng nhiễm 20 - 25% bệnh.
Toàn huyện có hơn 50 ha lúa xuân bị bệnh đốm sọc vi khuẩn
Diện tích lúa bị nhiễm bệnh trên 50 ha rải rác khắp các cánh đồng tại xã: Sơn Bằng, An Hòa Thịnh, Sơn Lễ, Kim Hoa, Sơn Ninh, Sơn Tây, Tân Mỹ Hà, Sơn Bình, Sơn Giang, Quang Diệm, Sơn Châu, Sơn Long, Sơn Tiến.
Ông Phạm Xuân Yên - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện cho biết: Ngay sau khi phát hiện sâu bệnh, trung tâm phân công cán bộ bám sát cơ sở, kiểm tra, theo dõi diễn biến bệnh đốm sọc vi khuẩn; đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời và hiệu quả.
Cán bộ chuyên môn khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh sớm để kịp thời xử lý
“Hiện, bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa trên địa bàn huyện chưa có dấu hiệu lan rộng. Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn và bà con nông dân vẫn phải thường xuyên thăm đồng, điều tra theo dõi, phát hiện các loại sâu bệnh sớm, dự báo chính xác để kịp thời xử lý, bảo vệ 4.700 ha lúa vụ xuân” – ông Yên khuyến cáo.
Nguồn tin: Hữu Trung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã