Ngày 2/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện NQTW7, hóa X do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, dẫn đầu, đã làm việc với Bộ NN-PTNT.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, để triển khai tổng kết 10 năm thực hiện NQTW 7 khóa X, Bộ NN-PTNT đã thành lập Tổ công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, đồng thời ban hành Kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết tại Quyết định số 1350/QĐ-BNN-KH. “Lãnh đạo Bộ đã đi kiểm tra, đánh giá việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết tại 4 tỉnh theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương là: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và các tỉnh, thành khác. Đến nay, Bộ đã hoàn thành báo cáo tổng kết (báo cáo chính) và 3 báo cáo chuyên đề gửi Ban Chỉ đạo Trung ương”, Bộ trưởng nói.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc |
Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện NQTW 7 khóa X, Bộ NN-PTNT khẳng định: “Tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước đã được khẳng định”. Điều này được thể hiện rõ nét trong những kết quả lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực đạt được trong 10 năm qua.
Bộ trưởng khẳng định, trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. SX chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, SXNN sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong 5 năm (2013-2017), chủ trương cơ cấu lại được ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt, đang tạo chuyển biến tích cực, rõ nét, đó là đã tạo được sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền SXNN theo hướng chuyển mạnh mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm XK thể hiện rõ kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Nhờ đó, XK nông lâm thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch XK 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch XK nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. XK nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 16 thế giới.
Trong 7 năm (2010 – 2017), phong trào xây dựng NTM có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn. Một trong những chuyển biến tích cực là việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, trong đó chú trọng vào xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, thu hút đầu tư DN.
Nhờ vậy, đến hết năm 2017 có 11.668 HTX nông nghiệp (gấp gần 2 lần năm 2008). Đặc biệt, số lượng DN nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% DN cả nước) lên 7.033 DN năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều DN đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và SXNN công nghệ cao, phát triển thị trường.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tính đến 20/7/2018, cả nước đã có 3.420 xã (38,32%) đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã; có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (so với năm 2010 chưa có xã đạt chuẩn; đến hết năm 2013 có 75 xã được công nhận đạt chuẩn, bình quân đạt 7,87 tiêu chí/xã, chưa có huyện đạt chuẩn NTM).
Về việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ NN-PTNT nhận định, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008); Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6/2018 còn 38,6%); Số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%); Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thuỷ lợi lên trên 80% (năm 2017 hiệu suất phục vụ tưới đạt 78%, hiệu suất phục vụ tiêu đã đạt 90,2%).
Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu khó đạt như: Tốc độ tăng trưởng đạt 3,5 - 4%/năm (giai đoạn 2008 - 2017 mới đạt 2,66%/năm); Tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% (đến hết năm 2016 mới đạt 34,14% và trung bình chỉ tăng 3,11%/năm).
“Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Chính trị có NQ hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NQTW 7 khóa X; nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “nông nghiệp toàn diện” và “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực tương xứng với mục tiêu mà NQTW 7 khóa X đã đề ra (5 năm sau tăng gấp 2 lần 5 năm trước).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) là nghị quyết chuyên đề lần đầu tiên đã đánh giá và đề ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Tôi đánh giá cao Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT đã tham mưu nhiều chủ trương, chính sách lớn với Đảng và Nhà nước; tích cực thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành những chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực triển khai, thực hiện, biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành những mô hình SXKD nông nghiệp và xây dựng NTM vào thực tiễn, góp phần ổn định, phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội”, đồng chí nói. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết, đã đạt nhiều thành quả quan trọng: Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 tăng gần 6 lần so với năm 2008. Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị Bộ NN-PTNT cần phát huy tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực: tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực, vai trò làm chủ của người dân nông thôn, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã