Theo đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao DAA thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, lâu nay, giá trị xuất khẩu nông sản Việt thường thấp hơn so với tiềm năng do giá trị sản phẩm xuất khẩu thấp bởi chủ yếu xuất nguyên liệu và chế biến thô. Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn vì do chất lượng sản phẩm chưa ổn định và được kiểm soát chặt chẽ, trong khi tiêu chuẩn của thị trường quốc tế ngày càng khắt khe.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo lý giải của các doanh nghiệp, là do chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường. Hiện nay, quy hoạch phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa trở thành một công cụ thực hiện chiến lược phát triển ngành có hiệu quả vì quy hoạch thiếu thực tiễn và thiếu nhạy bén với thị trường, quy hoạch có quá nhiều mục tiêu, không cân đối được nguồn lực, những dự báo trong quy hoạch còn thiếu chính xá.
Bên cạnh đó, việc chưa có cơ chế phù hợp để giám sát thực hiện quy hoạch có hiệu lực, tình trạng đầu tư không theo quy hoạch, hoặc đầu tư vượt quá quy mô dự kiến quy hoạch đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, cũng như người sản xuất. Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư. Đặc biệt, việc quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với công nghệ chế biến, bảo quản, kho bãi, vận chuyển hiện vẫn chưa có hiệu quả trên thực tế, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25-30%, các hiện trạng xuất thô, xuất tươi, "được mùa, mất giá" vẫn thường xuyên diễn ra...
Nhìn ở góc độ sản xuất, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới cho rằng, những hạn chế trong việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín trong ngành nông nghiệp là một trong những thách thức lớn nhất đang đặt ra đối với mục tiêu nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay.
Xét về cơ cấu đầu tư, ông Dione cho biết, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp mới đạt gần 2% tổng vốn FDI, một tỷ lệ rất nhỏ và không mang lại nhiều giá trị gia tăng.
"Cùng với đó, khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Cho đến nay, nông dân vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất trong nông nghiệp và phần lớn trong số họ chưa tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp", ông Dione nhấn mạnh.
Để gỡ những nút thắt trên, theo ông Dion, cần tập trung ưu tiên củng cố các mối liên kết trong chuỗi giá trị để tạo tác động tối đa trong chuyển đổi ngành nông nghiệp, xem xét toàn bộ chuỗi giá trị "từ trang trại đến bàn ăn", bao gồm cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, an toàn thực phẩm...
"Nếu muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần có một chính sách toàn diện để khuyến khích và đưa dòng vốn phù hợp đến đúng nơi cần đầu tư. Trên cơ sở đó, Nhà nước cần có một chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rõ ràng và có mục tiêu cụ thể, tập trung không chỉ vào thu hút đầu tư, mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp và gia nhập thị trường; tạo niềm tin để nhà đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động; hỗ trợ phát triển mối liên kết giữa các hoạt động đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước...", ông Dione khuyến nghị.
Đề nghị tỉnh kiên giang sớm phê duyệt dự án khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao 10.000 ha
Hiện tại, Minh Phú có kế hoạch đầu tư dự án Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao 10.000 ha tại Kiên Giang. Minh Phú đang gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có một số tập đoàn lớn như Cargill, Microsoft... nhằm kêu gọi xúc tiến đầu tư.
Đây là dự án lớn, có thể giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 công nhân nuôi trồng và 70.000 công nhân chế biến. Do đó, chúng tôi đề nghị tỉnh Kiên Giang sớm phê duyệt dự án để trình lên Chính phủ, cũng như các bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ cho dự án tiềm năng này.
Mong chính phủ hỗ trợ, tạo cơ chế thuận lợi trong tiếp cận thông tin về đầu tư nông nghiệp
Chính phủ cần xem xét thành lập khu trung tâm kinh tế nông nghiệp quy mô lớn. Đây là đầu mối giao thương mọi sản phẩm liên quan trong chuỗi giá trị, từ giống, vật tư… đến các thỏa thuận hợp tác xuất, nhập khẩu sản phẩm giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trung tâm cũng cần được áp dụng các công nghệ mới nhất, hiệu quả nhất cho việc nghiên cứu, bám sát thị trường...
“Các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ nông dân, doanh nghiệp khởi nghiệp hầu như vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin chính thống về đầu tư nông nghiệp. Nếu Chính phủ tốn 1.000 đồng cho cán bộ đi tham quan mô hình học hỏi, thì nông dân hay doanh nghiệp phải mất 1 triệu đồng để làm được việc đó. Do vậy, mong Chính phủ hỗ trợ, tạo cơ chế thuận lợi trong tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp”, bà Thực kiến nghị.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã