Học tập đạo đức HCM

15 năm Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Văn hóa: Hành trang văn hoá phát triển trong thời kỳ mới

Thứ hai - 15/07/2013 22:01
Văn hóa phát triển không chỉ là thuật ngữ thịnh hành đối với những người nghiên cứu, mà còn là sự nhận thức chung của nhân loại nửa sau thế kỷ XX về vai trò của văn hoá trong phát triển cộng đồng, quốc gia dân tộc và thế giới. Văn hoá không thể nằm ngoài sự phát triển kinh tế - xã hội mà nó là bộ phận cấu thành nên sự phát triển đó. Hơn thế, văn hoá còn là " động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Văn hoá chính trị, văn hoá đối ngoại ngày càng có vai trò quan trọng đối với hoà bình, hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia, các khu vực và cả thế giới vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.
Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII ra đời trong điều kiện sự nghiệp đổi mới đang mở ra giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt trong lịch sử dựng nước. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng là cánh cửa để chúng ta tiếp cận với những trào lưu mới tiến bộ của thế giới. Một trong những trào lưu ấy chính là sự phát động thập kỷ phát triển văn hoá của UNESCO được khởi xướng vào những năm 80 của thế kỷ XX, nhằm đề cao vai trò của văn hoá trong phát triển. Chính thập kỷ đó là thập kỷ Việt Nam đang chuẩn bị và bắt đầu thời kỳ đổi mới. Tiếp thu tư tưởng tiến bộ của nhân loại, dựa trên nền tảng thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về văn hoá đã ra đời và thực sự đi vào đời sống xã hội suốt những năm đổi mới đất nước.
 
Đánh giá khách quan, toàn diện những thành quả đạt được và những hạn chế yếu kém về văn hoá sau 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII là việc làm cần thiết và công phu của các cấp uỷ Đảng, các cơ quan văn hoá từ Trung ương đến địa phương. Điều quan trọng nhất là phải quán triệt tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng nhưng cũng không phủ nhận cảm tính xuất phát từ những bức xúc, bất cập của nhiều hiện tượng xã hội đang hàng ngày diễn ra. Nếu chỉ căn cứ vào những bất cập trong quản lý di sản văn hoá; những suy thoái về đạo đức, lối sống trong cộng đồng có cả cán bộ và đảng viên; sự phai nhạt truyền thống "tình làng, nghĩa xóm” ở phương diện nào đó; sự hoành hành tuy chỉ nhất thời của cái ác …để nhìn nhận văn hoá đang đi xuống cũng là nhận định phiến diện, thiếu khách quan. Nhưng nếu nhìn nhận văn hoá đang phát triển mạnh mẽ căn cứ vào những lễ hội hoành tráng thường xuyên được tổ chức, việc thụ hưởng văn hoá bằng các chỉ số có tính hình thức qua việc được nghe đài, đọc báo, xem phim, hoặc thông qua số nhà văn hoá đã và đang xây dựng, số làng văn hoá, gia đình văn hoá được công nhận năm sau nhiều hơn năm trước…  thì cũng là cách đánh giá "cổ truyền” ít có giá trị thiết thực cho phát triển. Có lẽ phải xem xét khách quan từ những mục tiêu chiến lược của Nghị quyết.
 
Trước tiên về con người với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hoá, đồng thời cũng là sản phẩm của văn hoá. Con người Việt Nam sau đổi mới thực sự đã phát triển khá toàn diện. Toàn diện trong nhận thức, tư duy, trong hành động, trong ứng xử xã hội, ứng xử với môi trường tự nhiên, xã hội, ứng xử với chính bản thân mình. Trước hết hãy nói về số đông, đó là những người nông dân Việt Nam ngày nay không còn lạc hậu như trước, văn hoá tổ chức đời sống cộng đồng, văn hoá lao động sản xuất…đã tiến những bước dài. Cũng trên diện tích như vậy, thậm chí còn bị thu hẹp hơn, nông dân Việt Nam đã tạo ra lượng lương thực, thực phẩm gấp nhiều lần trước đây do có nhận thức cao hơn, có trình độ cao hơn và khẳng định mình mạnh mẽ hơn. Văn hoá ăn, mặc, ở, văn hoá thể chất, sức khoẻ của nông dân cũng tiến bộ hơn trước nhiều. Về văn hoá cộng đồng, chính người nông dân là lực lượng quyết định việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, là những người có công lớn nhất bảo vệ, trùng tu  đình, chùa, đền, miếu, hội hè … nơi thôn dã. 
 
Những di sản văn hoá như Quan họ, Hát Xoan, Ca Trù, Hội Gióng…không có những người nông dân với niềm tự hào về truyền thống, với sự nhận thức đúng đắn về giá trị văn hoá liệu những giá trị quý báu đó có được UNESCO công nhận?. Người nông dân Việt Nam ngày nay tiến xa hơn xưa rất nhiều nhìn từ giác độ văn hoá. Hãy tạo môi trường mới xứng đáng với công lao và sự tiến bộ của nông dân, họ có thể làm những điều kỳ diệu hơn cả điều kỳ diệu mà thế giới thừa nhận về xoá đói, giảm nghèo ở Việt Nam. Về tuổi trẻ Việt Nam hôm nay cũng có thể nói đã tiến xa hơn nhiều so với thế hệ trước. Đó là những thanh thiếu niên được đào tạo cơ bản, có trình độ học vấn, có nhận thức sâu rộng về bản thân, cộng đồng và thế giới, tự tin và có khát khao khẳng định mình trong sự thích ứng với điều kiện xã hội phát triển. Một chỉ số chắc chắn không thể chối cãi đó là tuổi trẻ ngày nay có trình độ ngoại ngữ vượt xa thế hệ trước cả về số lượng và chất lượng. Thế hệ trung niên và những người cao tuổi là lực lượng chủ yếu đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Những người này cũng có trình độ cao hơn, nhận thức và ý chí cao trong việc đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Hãy so sánh kết quả hôm nay so với quá khứ của chúng ta để thấy sự vươn lên của chính mình. Nhìn nhận một cách bình tĩnh sẽ thấy con người Việt Nam sau đổi mới về cơ bản vẫn là những con người văn hoá  truyền thống, đồng thời đã tiếp nhận yếu tố hiện đại, văn minh, hội nhập sâu rộng hơn với cộng đồng quốc tế.
 
Tuy nhiên, không thể không cảnh báo về sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên làm cho bức tranh đời sống xã hội có nhiều vết hoen ố phản cảm và nguy hiểm. Thói hám tiền, ích kỷ, bè phái, vọng ngoại, đớn hèn, ác độc …có chiều hướng bộc lộ ngày càng trắng trợn và phổ biến. Chém giết lẫn nhau giữa vợ chồng, cha con, người tình, người thân, người làng…diễn ra khắp nơi thể hiện văn hoá đạo đức suy đồi, tính thiện suy vi, tính ác nổi trội. Văn hoá ứng xử với môi trường thiên nhiên cũng đáng báo động. Môi trường thiên nhiên cho phát triển bền vững, môi trường thiên nhiên cho sức khoẻ cộng đồng thật sự đáng lo ngại. Tuổi trẻ là  thành viên tích cực cho văn hoá môi trường, nhưng cũng còn nhiều người không chịu học hành, lao động, chỉ đua đòi, quậy phá, nghiện hút, mãi dâm, dẫn đến cướp của, giết người tàn bạo…là tiếng chuông cảnh báo về nguyên nhân giảm chỉ số phát triển con người và xã hội Việt Nam nói chung, cũng như đời sống an bình của từng cộng đồng nói riêng.
 
Nói tới văn hoá không thể không nói tới di sản văn hoá, kết tinh vật chất và tinh thần của dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Về việc này phải thấy sau khi có Nghị quyết nhận thức chung của Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng có những chuyển biến rất rõ nét. Nếu ngày trước những di sản văn hoá vật thể như đình, chùa, đền, miếu…rất ít được quan tâm, thậm chí có nơi còn tàn phá, thì ngày nay hầu khắp các địa phương trong toàn quốc đã có chương trình kiểm kê, đánh giá, xếp hạng và từng bước chống xuống cấp, bảo vệ và phát huy có hiệu quả. Điều đó khẳng định sự chuyển biến nhận thức về di sản văn hoá vật thể sâu rộng trong cộng đồng. Về di sản văn hoá phi vật thể thì sự chuyển biến về nhận thức còn sâu sắc hơn. Nếu trước đây nhiều giá trị di sản văn hoá phi vật thể không những không được nhìn nhận đúng đắn mà còn bị miệt thị, coi thường. Ca Trù, Hát Xẩm không phải khi nào cũng được coi trọng! Nhiều di sản tuy không bị miệt thị nhưng cũng chìm trong quên lãng vì nhiều lý do. Đến như bia trong Văn Miếu cũng bị bỏ quên, thất lạc; Hát Xoan, Quan Họ, hội Gióng, trường ca các dân tộc Tây Nguyên, rồi cồng chiêng, nhã nhạc…có mấy ai quan tâm?! 
 
Ngày nay các bộ sưu tập được ghi chép, in ấn, xuất bản thành sách, ghi băng, làm đĩa hình, đĩa tiếng…rồi nghiên cứu đệ trình UNESCO công nhận nhiều di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam nổi tiếng thế giới. Công bằng mà nói những việc làm được về di sản văn hoá vật thể cũng như phi vật thể là rất đáng ghi nhận trong 15 năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một việc đã bị quên lãng nhiều năm không tránh khỏi những bất cập đáng tiếc như chuyện biến Thành nhà Mạc, Ô Quan Chưởng thành di sản "một năm tuổi”, rồi phá dỡ chùa Trăm Gian không tôn trọng Luật Di sản…rồi các di sản ngày càng xuống cấp không kịp trùng tu, hoặc các di sản được công nhận chưa phát huy được trong đời sống kinh tế - xã hội…Ngay cả những tiếng kêu cứu trên báo chí về di sản cũng phản ánh rõ nét nhận thức về việc bảo vệ di sản đã được thấm sâu vào cộng đồng như thế nào. Đòi hỏi phải làm tốt hơn nữa việc giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc là yêu cầu thực tế khách quan, nhưng nó không đồng nghĩa với việc phủ nhận thành quả to lớn về lĩnh vực này trong những năm qua.
 
Về hoạt động văn hoá và đời sống văn hoá cộng đồng cũng có những thành quả rất đáng ghi nhận. Về số lượng các hoạt động văn hoá, đặc biệt là lễ hội tăng đáng kể, góp phần làm phong phú thêm đời sống cộng đồng, nhất là ở nông thôn. Tuy nhiên, về chất lượng và ý nghĩa tổ chức các lễ hội và các hoạt động văn hoá khác cũng còn nhiều hạn chế. Các hoạt động thường xuyên như chăng đèn, kết hoa, treo cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu có phần rực rỡ hơn, nghệ thuật cao hơn và cũng có nhiều hình thức đẹp phố, vui làng hơn. Tuy nhiên, việc lặp đi, lặp lại nhiều lần trong năm không nâng cao đời sống thẩm mĩ cộng đồng, nhiều khi còn gây phản cảm về sự lãng phí. Nhiều nơi ngay tại Thủ đô  "Chúc mừng năm mới” đến giữa năm vẫn còn tươi màu trên bảng hiệu. Hoạt động dịch vụ văn hoá phát triển khá mạnh đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong cộng đồng. Tuy nhiên, do quản lý chưa đáp ứng sự phát triển nên nhiều hệ luỵ tồn tại chưa thể giải quyết gây bức xúc xã hội như dịch vụ Karaoke, vũ trường. Vấn đề biểu diễn cũng còn nhiều việc phải làm sao cho đáp ứng nhu cầu văn hoá và định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho giới trẻ. Vấn đề công bằng trong hưởng thụ văn hoá cũng còn không ít việc phải làm. 
 
Về hoạt động văn hoá có điểm nhấn rất đáng ghi nhận là hoạt động giao lưu, quảng bá, giới thiệu văn hoá Việt Nam với cộng đồng quốc tế và văn hoá thế giới với Việt Nam. Có thể nói nhờ các hoạt động này thế giới hiểu hơn, yêu mến và trân trọng Việt Nam hơn, và Việt Nam cũng hiểu và gần gũi với cộng đồng quốc tế hơn. Tuy nhiên, về phim ảnh một số nước chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ và rạp chiếu phim cả về số lượng và tầm ảnh hưởng đến thị hiếu, cũng như thói quen xem phim của người Việt Nam đã đến mức báo động. Những yếu tố văn hoá tích cực và tiêu cực thông qua hệ thống mạng cần được quan tâm, điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình mới.
Nói tóm lại, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII - những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hoá là rất đáng ghi nhận, nhưng những hạn chế, tồn tại và những tiêu cực phát sinh trong điều kiện mới cũng cần nhận diện kỹ lưỡng để biết rõ hành trang văn hoá phát triển trong điều kiện mới của dân tộc. Nghị quyết nào cũng chỉ phù hợp trong một giai đoạn phát triển nhất định. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII không phải là ngoại lệ sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình. 
 
Ngày nay người ta quan niệm văn hoá là hình ảnh, là gương mặt của mỗi quốc gia. Trong thế giới hội nhập, chúng ta cần có nhận thức mới, tư duy mới và hành động đúng đắn nhằm giữ gìn văn hoá Việt Nam truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng nền văn hoá Việt Nam dân tộc, khoa học và đại chúng, góp phần làm giàu kho tàng văn hoá nhân loại, đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam phát triển, thân thiện và đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế.
TS. Nguyễn Viết Chức
theo daidoanket
 
 
Gui cho ban be
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập236
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm233
  • Hôm nay77,429
  • Tháng hiện tại782,542
  • Tổng lượt truy cập90,845,935
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây