Để có cái nhìn rõ hơn về những quyết sách, thành quả kinh tế xã hội và phát triển nông nghiệp mà Bắc Kạn đã đạt được trong thời gian qua, Báo NTNN/Danviet.vn đã có cuộc trò chuyện với bà Đỗ Thị Minh Hoa – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn xung quanh vấn đề này.
Xác định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp
Những năm qua, kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương. Riêng đối với tỉnh Bắc Kạn, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến và kết quả như thế nào, thưa bà?
- Không nằm ngoài quy luật chung đó, bên cạnh những thuận lợi chung thì tỉnh Bắc Kạn cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể những khó khăn riêng của một tỉnh nhỏ miền núi. Tuy nhiên, Bắc Kạn vẫn đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Đó là trong 5 năm vừa qua, tăng trưởng GDP của Bắc Kạn đạt bình quân 5,3%/năm, quy mô kinh tế của tỉnh đã tăng 1,5 lần so với năm 2015. Mức tăng trưởng này tuy không lớn nhưng đó cũng là nguồn động lực, cổ vũ cho Bắc Kạn trong thời gian tới, cụ thể:
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng/người. Đây là một kết quả để minh chứng cho sự thay đổi và nâng cao đời sống người dân Bắc Kạn.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch khá tích cực, đúng hướng, với mục tiêu đến năm 2020 lĩnh vực dịch vụ và thương mại đạt 53,3%; nông nghiệp 28,2% và công nghiệp xây dựng là 15,2%.
Mặc dù trong cơ cấu nền kinh tế của địa phương, lĩnh vực công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng còn nhỏ nhưng trong 5 năm qua, đây lại là ngành có tăng trưởng ấn tượng nhất. Năm 2015 tăng trưởng âm nhưng cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân đạt 10,5%/năm.
Riêng trong lĩnh vực văn hóa xã hội, Bắc Kạn vẫn đảm bảo thực hiện tốt, đặc biệt là chất lượng y tế, giáo dục không ngừng được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm.
Dự kiến đến hết năm 2020 tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 17-18% theo chuẩn mới (giai đoạn 2016-2020), giảm 11,4% so với đầu năm 2016 (29,4%), bình quân mỗi năm giảm 2,28% đạt mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra (mỗi năm giảm 2%-2,5%). .
Xin bà cho biết đâu là những nguyên nhân và động lực giúp Bắc Kạn đạt được những kết quả trên?
- Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, quy mô kinh tế và dân số đều rất nhỏ, không có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế như nhiều tỉnh khác trong cả nước.
Để đạt những kết quả bước đầu như hiện nay, nguyên nhân quan trọng có tính chất quyết định, đó là Bắc Kạn đã xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, nhiệm kỳ 2015 -2020 đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung đó là:
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, tạo bước chuyển cơ bản trong công tác cán bộ.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp, du lịch, hạ tầng công cộng và một số dịch vụ công.
Nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn, giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo phương châm "dân làm, nhà nước hỗ trợ".
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, tỉnh đã chỉ đạo khá căn cơ, bài bản, từ việc ban hành nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ đến các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách phục vụ cho các mục tiêu đó. Đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành các quyết định, đề án, kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Trong đó Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020 đã được triển khai thực hiện tích cực, bước đầu mang lại kết quả khá, cụ thể:
Sau 03 năm triển khai Chương trình OCOP đã thu hút được hơn 90 tổ chức, cá nhân tham gia, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã có 107 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên và cũng là tỉnh đứng trong top đầu cả nước về thực hiện đề án mỗi xã phường một sản phẩm, so với mục tiêu Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018-2020 số lượng sản phẩm OCOP thực hiện vượt 67 sản phẩm, đạt 267,5% kế hoạch.
Bắc Kạn đã có 56 sản phẩm OCOP được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso...; 09 sản phẩm được ký kết tiêu thụ với Trung tâm thương mại Big C - Hà Nội.
Đặc biệt sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.
Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung phát triển các chuỗi sản phẩm đảm bảo có liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu, chế biến, nâng cao chất lượng, mẫu mã và tiêu chuẩn sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Kết quả đã hình thành vùng lúa hàng hóa với diện tích gần 4000ha, trong đó đặc biệt đã đưa vào sản xuất được một số giống lúa mới, như các giống lúa J02, QJ04 (VASS 16) thuộc dòng lúa Japonica (lúa Nhật) có chất lượng gạo ngon, được đóng bao bì phù hợp, đã tổ chức xúc tiến thương mại đạt được đánh giá tốt từ khách hàng và có những hợp đồng cung ứng với số lượng khá lớn.
Sản phẩm miến dong đã quy hoạch lại vùng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu và khả năng chế biến miến trong tỉnh.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, từ đó sản lượng miến chế biến hàng năm đều tăng, thị trường cơ bản đã mở rộng trong cả nước, các hệ thống bán hàng lớn như BigC, Vinmart đều đã ký hợp đồng cung cấp thường xuyên, ổn định.
Đặc biệt năm 2020 sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được ký hợp đồng xuất khẩu sang nước Cộng hòa Séc; Sản phẩm mơ vàng Bắc Kạn đã tăng diện tích trồng gấp hơn 2 lần so với năm 2015 (hết năm 2020 diện tích hơn 700ha), đã chế biến xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, trong 3 năm từ 2018 đến nay khoảng 2000 tấn mơ nguyên liệu đã được đưa vào chế biến và xuất khẩu.
Ngoài ra một số sản phẩm khác được sản xuất ở quy mô nhỏ hơn nhưng đã bước đầu hình thành sản phẩm hàng hóa rõ rệt với tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã bao bì đảm bảo quy định và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, như chè, măng khô, gừng, nghệ, một số loại dược liệu…
Chăn nuôi đã từng bước phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy mô gia trại, trang trại, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học; hiện nay, có 5 HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm và 02 doanh nghiệp và nhiều gia trại chăn nuôi lợn và gia cầm đang phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm đầu ra đạt hiệu quả kinh tế cao.
Vùng nguyên liệu gỗ với hơn 30.000ha rừng được trồng mới trong nhiệm kỳ, trong đó có hơn 10.000ha rừng trồng gỗ lớn, đã đưa tổng diện tích trồng rừng của tỉnh lên hơn 100.000ha. Cùng với phát triển về diện tích đã tập trung cải tạo chất lượng và nâng cao giá trị rừng trồng bằng các giải pháp cấp chứng chỉ rừng FSC, tỉa thưa, chăm sóc kéo dài chu kỳ khai thác để tăng sản lượng gí trị gỗ rừng, trồng cây bản địa, dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường.
Hiện nay Bắc Kạn có tỉ lệ che phủ khoảng 72,6% - cao nhất toàn quốc. Tỉ lệ che phủ này không chỉ mang lại những tác động tích cực về môi trường của Bắc Kạn mà còn đóng góp chung gìn giữ môi trường của cả nước.
Tạo chính sách thu hút và đồng hành cùng doanh nghiệp
Thời gian qua Bắc Kạn đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư vào tam nông giữa các doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh. Vậy xin bà cho biết kết quả và triển vọng về quan hệ hợp tác đầu tư này?
- Bắc Kạn có hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực nông nghiệp nên vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những lĩnh vực rất quan trọng cần phải tập trung phát triển; đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an sinh xã hội, đời sống của người dân.
Vì vậy, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp và nhất là phát triển hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo HTX được tỉnh đặc biệt chú trọng nhằm phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã và đang mang lại những kết quả khá tích cực.
Cụ thể hóa cho hoạt động này, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch thực hiện và đạt một số kết quả bước đầu như đã nói ở phần trên.
Trong đó kết quả rõ rệt nhất đó là chuyển từ bán sản phẩm nguyên liệu thô sang sản phẩm được chế biến, nâng cao về chất lượng, cải thiện mẫu mã, từ đó giá trị kinh tế cũng được tăng lên rõ rệt.
Đặc biệt có những sản phẩm tăng lên gấp 5-6 lần, ký được hợp đồng với các kênh bán hàng lớn và đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, hoạt động của doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân bị ảnh hưởng rất lớn. Vậy Bắc Kạn đã và sẽ có những cơ chế chính sách gì để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này thưa bà?
-Thời gian qua, đại dịch Covid 19 đã gây ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu, vì vậy kinh tế của Bắc Kạn cũng chịu những ảnh hưởng nhất định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, bên cạnh những chính sách, những gói hỗ trợ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì tỉnh Bắc Kạn cũng quan tâm triển khai thực hiện những chính sách riêng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành như: Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có chính sách về miễn giảm tiền thuê đất; chính sách lãi suất tín dụng, hỗ trợ một phần về đầu tư ban đầu và cơ sở vật chất để mà phục vụ cho chế biến các sản phẩm nông sản.
Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh (thay thế Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND) ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hoá, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Các Nghị quyết trên vừa là cụ thể hóa chính sách thực hiện theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, đồng thời là những chính sách riêng của tỉnh để thúc đẩy, phục vụ cho đối tượng đầu tư vào nông nghiệp ở hình thức nhỏ hơn là trang trại, gia trại, hợp tác xã
Qua 5 năm triển khai thực hiện, từ công tác xây dựng đề án, triển khai và tổ chức thực hiện, những kết quả bước đầu đã khẳng định đây là hướng đi đúng đắn của tỉnh Bắc Kạn, cũng là trọng tâm chính của chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh.
"Tôi tin tưởng rằng, nếu Bắc Kạn tiếp tục hoàn thiện và kiên định với hướng đi này, cùng với các điều kiện thuận lợi sẵn có đặc biệt là lợi thế về điều kiện môi trường sạch là cơ sở quan trọng để phát triển nền nông nghiệp sạch, hữu cơ và các giải pháp đồng bộ về chính sách thì trong thời gian không xa sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhất là các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh sẽ có những bước đột phá, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.Từ đó sẽ tạo đòn bẩy, tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong đầu tư vào nông nghiệp, người dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn, góp phần tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng và tăng sức cạnh tranh, nhất là các sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu trên thị trường".
Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn
Xin cảm ơn bà!
Theo Nguyễn Luyên/danviet.vn
https://danviet.vn/2-chien-luoc-tao-nen-thanh-cong-cua-bac-kan-uu-tien-dau-tu-chu-trong-nong-nghiep-20201111164733103.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã