PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho rằng, tiềm năng về cây ăn quả ở vùng Nam Trung Bộ còn rất lớn, với đa dạng các loại cây ăn quả.
Từ thành công bước đầu những năm gần đây, nếu có kế hoạch tốt để mở rộng diện tích và thị trường tiêu thụ..., đây sẽ vùng cây ăn quả chủ lực của cả nước.
Mặc dù vậy, PGS.TS Châu cũng cảnh báo, việc chuyển đổi cây trồng, nhất là phát triển mạnh cây ăn quả tại liên vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cũng cần hết sức lưu ý tới vấn đề quy hoạch vùng, các giải pháp tổng thể về kỹ thuật, giống, liên kết tiêu thụ chế biến sản phẩm, và đặc biệt là vấn đề dịch bệnh.
Đơn cử như các tỉnh Tây Nguyên, hiện có 3 cây ăn trái chính là cây bơ, cây sầu riêng và chanh leo. Trong đó, chanh leo là cây trồng mới, đang có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng nguy cơ dịch bệnh lại rất nguy hiểm.
Chanh leo là cây trồng mà Đài Loan đã phát triển lâu đời. Tuy nhiên, cây chanh leo ở Đài Loan có sự khác biệt là họ chỉ trồng một năm thu hoạch, rồi chặt bỏ để cắt đứt chu kỳ bệnh sâu xuất hiện, sau đó trồng mới trên chính mảnh đất đó, cứ mỗi năm trồng lại một lần.
Vì thế, chu kỳ sâu bệnh không được tiếp nối, không được sinh sôi... Điều này khác với chanh leo ở nhiều vùng hiện nay ở Tây Nguyên của chúng ta, được duy trì lưu từ năm này sang năm khác nên nguy cơ mầm bệnh là rất lớn.
Tương tự đối với cây bơ, tiềm năng của Tây Nguyên quá lớn, nhưng hiện nay sản xuất lại tự phát, chưa chuyên nghiệp từ khâu trồng đến khâu thu hoạch. Hiện có một số doanh nghiệp trồng cây bơ theo kiểu trồng thuần, bắt đầu sau 2-3 năm đến lúc thu hoạch thì không bệnh phát sinh rất nhiều.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cũng nhấn mạnh: Để phát triển hiệu quả và bền vững một đối tượng cây trồng tròng quá trình chuyển đổi, cần lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp nhất cho từng địa bàn; quy trình kỹ thuật bao gồm giống phải đảm bảo, quy trình canh tác phải đảm bảo cân đối hài hòa, tiếp đến là vấn đề thị trường và liên kết sản xuất...
Theo ông Cường, trong thời gian gần đây, điển hình như cây tiêu hay cây cà phê ở nhiều tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giá giảm, người dân theo phong trào trồng cây ăn quả vào đất trồng tiêu, phá tiêu và phá cà phê để chuyển sang cây ăn quả mà không tập trung theo vùng, không có quy trình canh tác bài bản, không theo định hướng chung của vùng... Đây chính là hạn chế đáng lo ngại trong việc sản xuất cây ăn quả thiếu bền vững.
Cũng theo ông Cường, hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có thể định hướng, không thể bắt người dân phải trồng cây này, hay không được trồng cây kia.
Do vậy, một trong những yếu tố để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, bền vững, đó là người dân cũng phải thay đổi nhận thức theo định hướng của cơ quan chức năng. Bởi khi quyết định các đề án về khu vực trồng, cơ quan chức năng đã tính toán đến các điều kiện thuận lợi về đất đai, về nguồn nước, khí hậu, các giải pháp về giống, và gắn liền với vấn đề chế biến, tiêu thụ...
Vì vậy, ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước về định hướng phát triển vùng, hướng dẫn những kỹ thuật canh tác hiệu quả, bền vững, kiểm soát các công tác đầu vào như giống, tăng cường hỗ trợ các liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến... thì một trong những trách nhiệm của người dân là cần tuân thủ theo định hướng chung, tổng thể về quy hoạch phát triển, quy hoạch chuyển đổi cơ cấu của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lí Nhà nước...
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT): Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ những năm gần đây đã có tốc độ chuyển đổi đất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất mạnh mẽ.
Để đáp ứng yêu cầu, xu hướng này, Bộ NN-PTNT cũng đã có các chương trình giống, các chương trình khoa học công nghệ cũng như giao các viện nghiên cứu, chọn tạo và nhập nội những giống cây trồng phù hợp với điều kiện đặc thù về đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, ví dụ như xoài Nha Trang, táo Ninh Thuận, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận...
Hiện nay, diện tích thanh long ở Bình Thuận lớn nhất nước, cả nước hiện ước diện tích trên 50.000ha thanh long thì Bình Thuận có trên 30.000ha, sản lượng xuất khẩu thanh long hàng năm cả nước đạt 1 tỷ USD, trong đó chủ yếu ở Bình Thuận...
Nguồn tin: Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã