Nền tảng tôm - lúa
Nằm trong vùng U Minh Thượng, với hai mùa mặn ngọt rõ rệt, huyện A Minh có nhiều lợi thế để phát triển mô hình tôm - lúa (một vụ tôm, một vụ lúa). Diện tích thả nuôi tôm của huyện đạt trên 37 ngàn ha (chiếm khoảng 50% diện tích thả nuôi quảng canh của tỉnh), trong đó chủ yếu là nuôi theo hình thức tôm - lúa.
Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT An Minh, cho biết, qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (2011-2012), Phòng đã thường xuyên kết hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 28 cuộc hội thảo, 113 lớp tập huấn chuyên đề về nuôi tôm - lúa, canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm, trồng rau màu, các văn bản về xây dựng NTM… với gần 5.000 lượt người tham dự.
Đồng thời hỗ trợ xây dựng trình diễn nhiều mô hình sản xuất như: mô hình tôm lúa cộng đồng; nuôi cua biển, sò huyết xen tôm sú; nuôi cá bống tượng trong ao đất; chương trình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa theo hướng VietGAP; nhân giống lúa cấp xác nhận, Chương trình 3 giảm 3 tăng…
Theo kết quả đánh giá, các mô hình này đều mang lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Qua các mô hình đã và đang từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ trong nhân dân, hướng tới sản xuất hợp tác, tạo nhiều sản phẩm thương hiệu có tính cạnh tranh cao.
Cầu kênh xáng Thứ Tám nối liền xã Đông Hòa và Thuận Hòa, tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa
Huyện cũng đã tập trung hướng dẫn các địa phương thành lập, củng cố các tổ hợp tác sản xuất, với 113 tổ, trong đó có nhiều tổ sản xuất đạt lợi nhuận cao trên 50 triệu đồng/ha.
Mô hình tôm - lúa ở An Minh ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế và đa dạng hóa được đối tượng nuôi bằng cách thả xen canh thêm cua biển, cá… Hiện nay, người nuôi tôm ở An Minh đang bước vào vụ thu hoạch, giá tôm đang đứng ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi.
Ông Tám Thưởng (Trần Văn Thưởng) ở xã Thuận Hòa, cho biết: “Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên nông dân rất thuần thục trong các quy trình sản xuất tôm - lúa, nắm bắt được lịch thời vụ. Vụ nuôi năm nay có gặp trở ngại do nắng nóng gay gắt ở những tháng đầu nhưng hiện nay đã ổn định, tôm lớn nhanh lại bán được giá nên lợi nhuận khá cao.
Hiện tôm sú loại 20 con/kg giá 230-235 ngàn đồng/kg, loại 30 con giá 175 ngàn đồng, loại 40 con giá 150 ngàn đồng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Nhiều nông dân nuôi trúng thu hoạch 40-50 triệu đồng/ha. Nếu nuôi xen thêm cua biển có thể đạt 60 triệu đồng/ha”.
Phát triển hạ tầng
Bên cạnh phát triển sản xuất, việc xây dựng cơ cở hạ tầng thiết yếu cũng được huyện quan tâm đầu tư phát triển. Hằng năm, các công trình thủy lợi được đầu tư thi công nạo vét, kết hợp với các xã lựa chọn vị trí đặt trạm bơm điện phục vụ sản xuất.
Qua 2 năm, đã có 70 công trình được thực hiện với tổng chiều dài gần 314 km, kinh phí trên 38 tỷ đồng. Giao thông nông thôn được đầu tư phát triển, trong năm 2011 và 2012, toàn huyện đã làm được 81 km đường liên xã, liên ấp với tổng số tiền 32,3 tỷ đồng. Nhiều cây cầu được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Các hộ nghèo, gia đình chính sách được quan tâm hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát. Qua 2 năm đã có 1.056 hộ được hỗ trợ cất nhà gồm nhà đại đoàn kết, nhà theo Chương trình 167, nhà chính sách… với tổng số tiền hơn 23,7 tỷ đồng.
Theo ông Việt, nhờ được quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, cất nhà... nên số hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, đến cuối năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 10,51% (năm 2011 là 12,9%), hộ cận nghèo giảm từ 7,19% (năm 2011) xuống còn 6,78%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 26,8 triệu đồng, tăng 16,1% so với năm 2011.
Theo kết quả đánh giá, đến nay 2 xã điểm của huyện là Đông Hòa đạt 8 tiêu chí và Vân Khánh đạt 7 tiêu chí NTM. Các xã còn lại có 2 xã đạt 7 tiêu chí (Vân Khánh Tây và Tân Thạnh), 3 xã đạt 6 tiêu chí (Vân Khánh Đông, Đông Hưng A và Đông Thạnh), 3 xã đạt 5 tiêu chí (Thuận Hòa, Đông Hưng và Đông Hưng B). Phấn đấu hết năm 2013, hai xã điểm mỗi xã sẽ đạt 14 tiêu chí, các xã còn lại có 1 xã đạt 11 tiêu chí, 5 xã đạt 10 tiêu chí và 2 xã đạt 8 tiêu chí. |
Tại xã Đông Hòa, 1 trong 2 xã điểm của tỉnh giai đoạn đến năm 2015 những năm qua bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Ngô Văn Thum, quyền Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, cho biết, đến thời điểm này tuyến đường trục xã dài 12 km đã hoàn thành 100%, đường trục ấp đã hoàn thành 12/15,5 km, đạt 77,4% theo quy hoạch, đường ngõ xóm quy hoạch 29,3 km, đã hoàn thành 22,3 km, đạt 76,1%. Tuy nhiên, do trước đây làm chưa theo quy cách (chuẩn NTM) nên số km đường cần mở rộng là 23 km và làm mới là 9,1 km.
Trong năm 2012, nguồn vốn do nhân dân đóng góp, vốn doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước và lồng ghép từ các chương trình để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã là trên 6,6 tỷ đồng.
Trong đó, vốn huy động nhân dân gần 2 tỷ đồng, vốn ngân sách hỗ trợ là 3,3 tỷ đồng, còn lại là vốn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong năm 2013 này, xã phấn đấu đạt thêm 7 tiêu chí (gồm các tiêu chí: 3, 4, 9, 10, 11, 12, 17), nâng tổng tiêu chí đạt được lên 15 tiêu chí. Để đến năm 2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM.
Theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã