NTM là đây!
Ông Trương Văn Cao, nguyên Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, người đã trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, người đã nếm trải nhiều đắng cay ngọt bùi với cây cao su ở miền Đông anh dũng, uống hết những chén rượu tràn ly với tôi, rồi ông nghẹn ngào, nói từng câu, từng câu một: "Đây là vùng đất làm cách mạng tuyệt vời. Đây là vùng đất anh dũng tuyệt vời mà bản thân tôi từng được trực tiếp chứng kiến. Chiến tranh lùi về quá khứ sau những trận đánh tàn khốc, anh em chúng tôi, có rất nhiều đồng chí đến từ miền Bắc, những người còn sót lại, nén đau thương và tự hứa với lòng mình, sẽ dựng xây mảnh đất anh dũng nhuộm đỏ máu xương của đồng đội thành vùng đất anh hùng trong đổi mới. Giờ đây, còn được ngồi uống rượu với các anh, còn có thể sống thêm được nữa là nhờ hạnh phúc của nhân dân được ấm no, hạnh phúc của nông thôn được đổi mới, hạnh phúc của cao su trên vùng đất đỏ ngày càng có vai trò quan trọng, chính điều đó đang nuôi sống tôi thêm từng giờ, từng ngày".
Thế hệ sau ông Trương Văn Cao là ông Trần Văn Du, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, người đến với miền Đông từ thành phố cảng Hải Phòng cũng đã thực hiện đúng "lời hứa" với đồng đội của mình "sẽ dựng xây vùng đất này thành vùng đất anh hùng thời kỳ đổi mới". Chả thế mà, khi tiếp chúng tôi từ Đồng bằng sông Hồng vào, ông Du liền lấy xe chở chúng tôi đi thăm từng ngõ ngách của thị trấn Dầu Tiếng và các bản làng NTM xung quanh.
Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Mạnh Thường đặt câu hỏi: "Người dân nơi đây hi sinh cho cách mạng nhiều như thế, rồi sau nhiều năm vượt lên khó khăn sau chiến tranh, bây giờ được hưởng cơ sở hạ tầng tốt như thế này, họ có vui và hạnh phúc, có yêu Đảng yêu Nhà nước nhiều hơn không?" Ông Du bảo: "Các anh cứ tiếp xúc với người dân thì thấy điều đó. Mà cũng không cần tiếp xúc đâu. Cứ nhìn những khuôn mặt của những người dân kia, đã thấy được hết cả rồi".
Khu vực Dầu Tiếng hiện nay là vùng đệm của chiến khu lừng lẫy Dương Minh Châu. Sau giải phóng, nơi đây là vùng đất hoang tàn, người dân thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc và bộ đội ở lại làm kinh tế. Nhưng bây giờ, Dầu Tiếng đã trở thành một thị trấn huyện lỵ khang trang, sôi động nhất trong các thị trấn ở miền núi mà tôi từng gặp. Gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng ở đây, từ đường quốc lộ chạy qua trung tâm thị trấn với 6 làn xe ô tô, đến những con đường thảm nhựa phẳng lì ô bàn cờ đi vào các khu dân cư, khu chế biến mủ cao su; những bảo tàng, khu vui chơi giải trí, sân vận động, công viên, bệnh viện, trường học mẫu giáo, trường cấp 1,2, 3… đều khang trang và có thể phục vụ nhân dân một cách tốt nhất chủ yếu do Cty TNHH MTV Dầu Tiếng dựng xây lên.
Từ trung tâm huyện lỵ Dầu Tiếng, những con đường được thảm nhựa chạy về các bản làng, chạy đến những khu vườn cao su và khu làng công nhân, ở đó trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, điện lưới quốc gia, nước sạch, cho đến việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân như tổ chức các lễ hội, hội thao, sinh hoạt văn hóa cộng đồng… phần lớn do Cty Dầu Tiếng đầu tư. Từ những cơ sở vật chất hoàn thiện và hiện đại này, hàng năm Cty Dầu Tiếng đầu tư tiền khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân trong vùng. Bệnh viện của Cty hiện nay là một trong những bệnh viện lớn nhất trong vùng, với hàng trăm y bác sỹ và gường bệnh.
Ông Du chia sẻ: "Qua điểm xuyên suốt của những người làm cao su là vui vén cho hiệu quả của doanh nghiệp và hiệu quả xã hội. Cao su phát triển được thì người dân phải khá giả lên, đó mới là sự phát triển bền vững. Doanh nghiệp khá giả, lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng mỗi năm, tiền đó cũng thu về ngân sách Nhà nước để đầu tư cho những vùng nông thôn khác, nhưng cũng phải tích cực dùng một phần lợi nhuận pháp luật cho phép để đầu tư cho chính những vùng nông thôn của mình. Trong hàng chục năm qua, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại huyện Dầu Tiếng, Hớn Quảng, Bình Long của Cty là rất lớn. Năm 2012, chúng tôi đầu tư trồng 157 ha ở huyện Bù Đăng để làm quỹ xóa đói giảm nghèo. Lợi nhuận hàng năm từ 157 ha này chúng tôi sẽ đầu tư hết cho những người nghèo, mặc dù người nghèo trong khu vực còn rất ít, để họ thoát nghèo trong thời gian sớm nhất. Để nông thôn miền núi này thực sự là NTM. Riêng khác hoạt động xã hội năm 2012, Cty đã chi lên tới 13,6 tỷ đồng; tiền làm công tác từ thiện, nhân đạo trên 3,2 tỷ đồng. Không phải nói khoe, nhiều tiêu chí NTM khó làm, như cơ sở hạ tầng, thu nhập, đời sống văn hóa… ở các xã khu vực này được Cty Phú Riềng làm ra".
NTM là đây! Và đến đây tôi mới thấy hết được, vì sao ông Trương Văn Cao, cán bộ lão thành ngành cao su lại rơi nước mắt khi nói rằng: "Giờ đây, còn được ngồi uống rượu với các anh, còn có thể sống thêm được nữa là nhờ hạnh phúc của nhân dân được ấm no, hạnh phúc của nông thôn được đổi mới".
Không vì nhân dân thì vì ai?
"Sự nghiệp này vì ai? Vì con người chứ vì ai. Không vì nhân dân thì vì ai nữa ?", ông Lê Thanh Tú, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã nói câu đó khi ông vừa ký phê duyệt dự án trên 7 tỷ đồng đầu tư xây dựng đường cho nhân dân đi trong năm 2013.
Chế biến mủ cao su
"Quan điểm của lãnh đạo Tập đoàn là không để nhân dân trên địa bàn được khó khăn, không được để nông thôn trên địa bàn sản xuất kinh doanh được nhếch nhác, phải vun vén cho hiệu quả của Cty và cả xã hội, vì vậy từ rất nhiều năm qua, chúng tôi cũng như các Cty khác của Tập đoàn ở khu vực miền Đông này rất tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Riêng đối với công nhân và con em công nhân của Cty thì được chăm lo một cách đặc biệt hơn. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, chúng tôi được địa phương và người dân đánh giá cao hơn vai trò của Cty. Mỗi cán bộ công nhân viên của Cty thấy rõ trách nhiệm hơn của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi vừa chích ngừa viêm gan B cho hàng ngàn con em công nhân. Trích 20 tỷ đồng để cho các gia đình công nhân vay không lãi trong 5 năm dùng để đầu tư phát triển sản xuất, sửa sang nhà cửa. Ngoài ra, còn trích một quỹ 40 tỷ đồng để cho vay xoay vòng, giúp công nhân và nhân dân trong vùng có vốn đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong khi đó, y bác sỹ của Cty thường xuyên thăm khám cho nhân dân", ông Tú chia sẻ.
Khắp miền Đông, đi trên những con đường thảm nhựa phẳng lì, xuyên qua những vườn cao su ngút ngàn xanh biếc, thi thoảng những ngôi làng rực rỡ ngói đỏ lại hiện ra với tiếng cười ngập tràn hạnh phúc… Vẫn biết rằng, có được như ngày hôm nay, người dân miền Đông đã phải nỗ lực rất nhiều, nhưng có một điều không thể phủ nhận: đó là công sức hết sức to lớn của các Cty cao su trên địa bàn miền Đông. Đó là niềm tự hào của ngành cao su, mà chưa ai nói hết được.
Vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc, miền Trung ruột thịt đang còn rất nhiều gian khó, người dân còn nghèo, cây cao su - cây đa mục tiêu đang được mở rộng, người dân bắt đầu hi vọng, rồi đây, "vàng trắng" sẽ tuôn chảy và cuộc sống ấm no, hạnh phúc sẽ tràn về mỗi gia đình, mỗi làng bản ở những nơi khó khăn nhất cả nước.
Theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã