Là huyện miền núi có số người trong độ tuổi lao động cao, trong những năm qua, huyện Cẩm Thủy luôn chú trọng đến việc dạy nghề cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Lao động- Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) huyện Cẩm Thủy cho biết: Ngoài mở lớp dạy nghề tại trung tâm dạy nghề của huyện, Phòng LĐTBXH còn phối hợp với các tổ chức như Hội ND, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… mở lớp dạy nghề cho các hội viên của mình.
Bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Giám đốc Công ty Thiên Hằng hướng dẫn người dân thôn Ngán Vải đan túi từ bèo tây. |
Thoát nghèo nhờ có nghề
Từ năm 2011 đến nay, Phòng LĐTBXH đã mở được 9 lớp, dạy nghề chăn nuôi thú y, đan bèo tây, may công nghiệp, trồng nấm rơm… cho hơn 300 lao động. Nghề đang phát triển và cho thu nhập khá hiện nay là đan bèo tây xuất khẩu.
Ông Thông cho biết, Phòng và Hội ND phối hợp với Công ty Thiên Hằng ở TP. Thanh Hóa để dạy nghề này theo hình thức vừa học vừa làm. Bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Giám đốc Công ty Thiên Hằng cho biết: "Từ năm 2011, trung bình mỗi năm, công ty phối hợp với huyện mở 5 lớp. Học xong, học viên được cung cấp 100% nguyên liệu, sản phẩm làm ra được công ty thu mua tận nơi nên rất tiện".
Chị Trương Thị Chiến, thôn Ngán Vải, xã Cẩm Ngọc, người đoạt Giải Nhất Cuộc thi tay nghề do Công ty Thiên Hằng tổ chức hàng năm phấn khởi nói: "Nghề này có thể tranh thủ làm lúc nông nhàn, ngồi hóng mát, xem tivi... cũng thu nhập từ 900.000- 1.000.000 đồng/người/ tháng, còn làm cả ngày được 2 - 2,2 triệu đồng, mà "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu!".
Bà Bùi Thị Bình - Bí thư Chi bộ thôn Ngán Vải cho hay: "Từ khi có nghề đan bèo tây, nhiều hộ đã thoát nghèo. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của thôn là 26%, năm 2011 còn 17%, chúng tôi phấn đấu trong năm nay còn 12%".
Hỗ trợ vẫn khó tuyển sinh
Tuy nhiên, theo ông Thông, công tác dạy nghề ở Cẩm Thủy vẫn rất khó khăn. Do dân số đông, các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn ít, cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề thiếu thốn...
"Cả huyện duy nhất có công ty may và một số xưởng chế biến đá, gạch, nên mới chỉ có 30% lao động có việc sau khi học, còn lại người dân vẫn phải tự xin việc, hoặc mở xưởng tự làm" - ông Thông cho hay.
Vừa qua, Tập đoàn En Tracom (Hoàng Anh Gia Lai) có nhu cầu tuyển 400 công nhân kỹ thuật điện, nhưng Phòng LĐTBXH và Trung tâm Dạy nghề thông báo tuyển sinh gần 2 tháng chỉ nhận được 8 hồ sơ. Mặc dù Tập đoàn ký hợp đồng, sau khi học xong, học viên sẽ được Tập đoàn tiếp nhận vào làm việc, nhưng vẫn rất khó tuyển sinh.
Về vấn đề này, ông Thông cho hay: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung dạy các nghề có nhiều đầu ra như đan lát, may mặc, chăn nuôi thú y… Việc đào tạo các nghề cơ khí, điện lạnh, điện dân dụng, sửa chữa xe máy… cũng rất cần thiết nhưng muốn thu hút học viên, các trung tâm dạy nghề cần tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ của giáo viên, hỗ trợ và tạo việc làm cho học viên sau khi học…".
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã