Hậu quả là, không những không phát triển được công nghiệp, mà hiện nhiều KCN còn đang bị bỏ hoang, nhiều nông dân đã phải vào làm nông nghiệp ngay trên chính… KCN.
Những nông dân mất đất vì KCN ở ĐBSCL suốt mấy năm liền không có đất sản xuất, đời sống khó khăn đã quay lại đất cũ làm nông nghiệp…
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Phi đang thu hoạch rau trong KCN Sông Hậu. |
KCN thành nơi trồng lúa, màu
Năm 2007, khi nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng KCN Sông Hậu (giai đoạn 1 với diện tích 290ha ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), gia đình ông Nguyễn Văn Sang ở ấp Phú Nhơn bị giải tỏa trắng. Toàn bộ diện tích 4.000m2 của gia đình ông được bồi thường 200 triệu đồng. Sau khi chia tiền bồi thường cho 3 đứa con và mua nền để cất nhà ở xã kế bên, ông chẳng còn đồng nào để tích lũy.
Cuộc sống của ông cũng vì thế mà rất khó khăn, phải đi làm thuê nhiều nơi vẫn không đủ ăn. Chỉ 2 năm sau, cả gia đình ông quay lại đất cũ đã được quy hoạch làm KCN để… làm ruộng. Ông Sang tâm sự: “Nhìn thấy đất cũ của mình chưa san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy, thấy tiếc quá, nên tôi đành “nhảy” vào… khai phá lại chính mảnh ruộng của mình trước kia để trồng lúa”. Do phải làm ruộng “trộm”, nên ông Sang không dám đầu tư thêm gì và cũng chỉ dám trồng các loại cây ngắn ngày, vì lo ngại nhà đầu tư có thể lấy lại ruộng bất kỳ lúc nào.
Cả gia đình ông Sang không chỉ khai phá đất cũ của gia đình, mà còn mở rộng thêm những mảnh đất xung quanh để có 10.000m2 trồng lúa, mía và rau cải sống qua ngày. Ông Sang cho biết: “Đất này từ trước tới giờ làm lúa rất trúng, vụ nào cũng từ 7 đến 8 tấn/ha”. “Nhờ” nhà đầu tư… bỏ hoang, nên hiện KCN Sông Hậu đã trở thành vùng đất màu mỡ để hàng trăm hộ nghèo mất đất sản xuất có cái ăn nhờ trồng lúa, hoa màu.
Chung cảnh ngộ như ông Sang, gia đình ông Nguyễn Hoàng Phi cũng quay lại đất cũ để trồng lúa, cải xanh kiếm sống qua ngày. Ông Phi cho biết: “Gia đình chỉ có 1 công đất (1.000m2) được bồi thường 50 triệu đồng. Từ ngày mất đất, tôi phải đi làm phụ hồ nhưng vẫn không đủ sống. Vì vậy, khi thấy nhiều người quay lại đất cũ trồng lúa, tôi cũng quay về làm để kiếm cái ăn”. Bây giờ gia đình ông Phi trồng 1 công lúa, 0,5 công cải xanh và cuộc sống đã đỡ vất vả hơn.
“Xà xẻo” đất ở KCN
Ghi nhận của PV NTNN tại đây cũng cho thấy, đã có rất nhiều gia đình nghèo sau khi mất đất đã quay lại KCN. Nơi nào đất còn trống là bà con khai phá để trồng màu, trồng lúa. Vợ chồng ông Phan Văn Hùng ở ấp Phú Hưng bị mất đất do quy hoạch xây dựng KCN Sông Hậu.
Cũng như các gia đình khác, sau một thời gian bị thu hồi đất, vợ chồng ông đã quay về KCN để khai phá đất trồng củ cải trắng, hành lá. Ông Hùng cho biết: “Chỉ sau mấy năm thu hồi đất, nhưng không ai sử dụng nên cỏ mọc um tùm. Gia đình tôi đã trồng 7 công màu để sống qua ngày. Cứ 2 tháng gia đình ông thu hoạch 1 lứa củ cải trắng, hành lá nên cuộc sống cũng tạm ổn”.
Không chỉ nông dân mất đất sản xuất quay lại đất cũ để tìm kế sinh nhai, có rất nhiều người đến đây thuê lại đất để trồng trọt, chăn nuôi. Ông Trần Văn Tám (70 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) đến KCN Sông Hậu thuê 3 công đất để sản xuất.
Ông Tám cho biết: “Nghe nói đất ở KCN bỏ hoang nhiều, nên tôi định xuống để khai phá trồng trọt, nhưng đến đây thì chẳng còn mảnh đất nào, vì người ta đã khai phá hết rồi. Nhờ người quen giới thiệu nên tôi thuê lại quyền được sản xuất tạm thời trên phần đất khoảng 3 công trong KCN để kiếm sống qua ngày”.
Ông Tám phải trả 4 triệu đồng gọi là tiền công khai phá để sản xuất tạm thời trong KCN gần 1 năm nay. Về đây, ông cất căn chòi ở tạm rồi trồng bắp (ngô), trồng lúa và nuôi vịt để kiếm sống. Sắp tới, ông còn dự định thả cá sặc rằn xuống ao để tự cung, tự cấp nguồn thực phẩm hằng ngày. Với 3 công đất vừa trồng trọt, chăn nuôi dư sức nuôi sống ông ở ngay trong KCN.
Ông Phạm Văn Chởm – Chủ tịch UBND xã Đông Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Toàn bộ diện tích đất của KCN Sông Hậu khoảng 290ha, thì hiện nay chỉ xây dựng được nhà máy chế biến thủy sản khoảng 56,4ha. Còn lại các dự án khác đều bị đình trệ, hầu hết diện tích đất đều bị bỏ hoang, nên người dân đến khai phá để trồng lúa và các cây ngắn ngày khác để kiếm thêm thu nhập”.
(Còn nữa)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã