Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý với phương án đề xuất của Thường trực Ban Chỉ đạo về việc sửa đổi bộ tiêu chí cấp xã, lưu ý đến chia ra các tiêu chí cứng, mềm.
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan khác có văn bản chính thức về các tiêu chí về lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm, tỷ lệ lao động sau khi học nghề, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư, tỷ lệ bảo hiểm y tế…) gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo báo Thủ tướng Chính phủ.
Về tiêu chí huyện nông thôn mới, lưu ý đến công tác quy hoạch hạ tầng (giao thông, điện, thủy lợi) và quy hoạch sản xuất (vùng chuyên canh trồng trọt và chăn nuôi, làng nghề) và quy hoạch các dịch vụ xã hội (bệnh viện, nhà máy xử lý rác…) gắn với công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn; xem xét lại mức độ tiêu chí (đô thị văn minh, trường đạt chuẩn quốc gia).
Thường trực Ban Chỉ đạo lấy ý kiến, tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2015 để áp dụng giai đoạn 2016-2020.
Sau khi có Quyết định sửa đổi, bổ sung tiêu chí nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có văn bản hướng dẫn tiêu chí thuộc chức năng quản lý nhà nước của mình để các địa phương thực hiện vận dụng linh hoạt theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, vùng khó khăn và đặc thù.
Khen thưởng xã tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới
Để động viên, khích lệ xã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, sẽ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và công trình phúc lợi tương đương 1 tỷ đồng đối với 5% số xã trong tỉnh, thành phố (khoảng 450 xã) tiêu biểu đạt chuẩn nông thôn mới (theo Quyết định 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ) và các xã đặc biệt khó khăn, có nỗ lực cao trong xây dựng nông thôn mới tính đến cuối tháng 10/2015 đạt trên 10 tiêu chí và trong 5 năm tăng bình quân ít nhất 8 tiêu chí (kinh phí khen thưởng do ngân sách trung ương cấp).
Ngoài ra, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và công trình phúc lợi tương đương 1 tỷ đồng đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới còn lại (kinh phí khen thưởng do ngân sách địa phương cấp).
Phó Thủ tướng cũng đồng ý bổ sung khen thưởng ngoài Quyết định 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 theo cụm, khối thi đua như sau: TP Hà Nội, Long An, Quảng Ninh, Lai Châu (vào danh sách được khen thưởng theo cụm thi đua của các tỉnh, thành phố); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam (Khối thi đua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp); khen thưởng bổ sung đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải; Tập đoàn điện lực Việt Nam (khối thi đua các tập đoàn).
Về kinh phí khen thưởng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng đồng ý giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng kinh phí lấy từ nguồn dự phòng của Chương trình nông thôn mới (638 tỷ đồng) và vốn trái phiếu Chính phủ của Chương trình nông thôn mới không phân bổ kế hoạch 2016 cho 12 địa phương theo nghị quyết Quốc hội, số còn thiếu giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ.