Học tập đạo đức HCM

Thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL - Tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ tư - 02/12/2015 02:32
Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) đang diễn ra tại Paris, Pháp cho thấy biến đổi khí hậu đối với nhân loại là vấn đề đang được quan tâm đặc biệt.

Tại Việt Nam, phần lớn cư dân sống tập trung với mật độ cao ở các vùng đất có độ cao dưới 10m so với mực nước biển, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, dự báo 90% diện tích đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và 70% diện tích đất của khu vực này bị xâm nhập mặn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Cùng với quốc tế, Việt Nam đang có những bước cam kết giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể đối phó với biến đổi khí hậu cho từng vùng miền. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các địa phương trong khu vực này đang có những giải pháp ứng phó cũng như thích ứng được với hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày một rõ rệt.

Nhân dịp này VietnamPlus đăng tải loạt năm bài viết về thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài 1: Tái cơ cấu nông nghiệp

Liên kết thực hiện

Đồng bằng sông Cửu Long có trên 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, diện tích canh tác lúa từ 1,6-1,8 triệu ha. Là vùng sản xuất nông nghiệp có lợi thế so sánh tốt nhất ở Việt Nam, với các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản nước ngọt, nước mặn.

Dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chỉ chiếm gần 30% diện tích cả nước nhưng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới gần 50% diện tích lúa, hơn 70% diện tích nuôi trồng thủy sản, 40% giá trị sản xuất nông nghiệp và hơn 50% sản lượng thủy sản của cả nước.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, dự báo 90% diện tích đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và 70% diện tích đất của đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn do hậu quả của biến đổi khí hậu. Những tác động kết hợp của lũ lụt và xâm nhập mặn gia tăng đe dọa sản lượng nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, năng suất lúa có thể giảm tới 50% vào năm 2100.

Biến đổi khí hậu gây nên những tác động tiêu cực trực tiếp đến thu nhập ngành nuôi cá tra và nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập từ nuôi cá tra có thể giảm tới 3 tỷ đồng/ha vào năm 2020 do biến đổi khí hậu và còn có thể tăng lên gấp ba lần vào năm 2050. Tổn thất trong nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh sẽ là 130 triệu đồng/ha vào năm 2020 và tăng lên 950 triệu đồng/ha vào năm 2050.

Để đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được những mô hình thành công như con tôm ôm cây lúa, chuyển đổi ba vụ lúa sang hai vụ lúa một vụ màu.

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để tái cơ cấu và phát triển nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, thích ứng biến đối khí hậu, cần thực hiện trên cơ sở liên kết vùng, đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng, trên cơ sở gắn với cung-cầu thị trường; gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản.

Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn.

Để việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long được bền vững phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Trước hết, cần xây dựng, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, các vùng chuyên canh, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của nông dân.

Để tái cơ cấu ngành lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, cần chú trọng giải quyết tốt vấn đề thu nhập của người trồng lúa. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất tiêu thụ lúa gạo.

Các địa phương trong vùng cũng cần tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng, giá trị cao thích ứng thời tiết khắc nghiệt, chịu được độ mặn nhất định.

Tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng miền khác trong cả nước, kết hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để chọn lựa các giống cây, con cho năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm với kịch bản diễn ra các rủi ro của thời tiết ngày một khốc liệt.

Sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu được các nhà khoa học tích cực nghiên cứu, người dân ứng dụng đưa vào sản xuất giống lúa chịu mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều giống lúa của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long được xác định có khả năng kháng mặn khá cao như OM6976, OM677, OM5464, OM 5629, OM 5166 đã được khảo nghiệm và gieo trồng tại nhiều tỉnh có sự xâm nhập mặn cao là Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Ngoài ra, nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn đã được nông dân Đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng trong mô hình lúa-tôm như OM 1490, OM2517, B-TE1, OM 4900, ST5 và các giống lúa mùa như một bụi đỏ, một bụi trắng, lùn Kiên Giang, lùn đỏ.

Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2050, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục nghiên cứu sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, tiến tới sản xuất lúa có chất lượng và giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu thích ứng biến đổi khí hậu.

Các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản, nông nghiệp ven đô; nông lâm kết hợp, trồng trọt và du lịch sinh thái thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất đã được ứng dụng.

Đặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn, ngập lụt và nghiên cứu bố trí lại cơ cấu và hệ thống cây trồng phù hợp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường đất, nước, không khí và kiểm soát rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu từng bước được thực hiện.

Theo ông Trần Văn Thể, Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giảm thiểu khí nhà kính trong trồng trọt, giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2050, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện triển khai nhân rộng các mô hình, các biện pháp canh tác tiên tiến có hiệu quả cao, sử dụng ít "đầu vào" và phát thải thấp như ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng cánh đồng lớn, VietGap, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, làm đất tối thiểu, che phủ thảm thực vật.

Ngành chức năng cũng nghiên cứu phát triển các kỹ thuật bảo vệ đất trồng trọt và kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng phân đạm nhằm hạn chế phát thải khí N20; thí điểm và nhân rộng các mô hình xã hội hóa thu gom, xử lý và tái sử dụng chất thải trong trồng trọt như rơm rạ, thân ngô, lõi ngô, bã mía, lá mía, vỏ cà phê, xác rau, vỏ sắn, làm phân hữu cơ, than sinh học, thức ăn chăn nuôi, vật liệu, chất độn nhằm giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu, nhập khẩu các giống vật nuôi mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu. Đặc biệt phát triển các mô hình chăn nuôi hỗn hợp như mô hình vườn-ao-chuồng, mô hình sản xuất lương thực và năng lượng từ chăn nuôi, mô hình thích ứng chăn nuôi dựa vào sinh thái; nghiên cứu, cải tiến công nghệ nuôi và đối tượng nuôi mới đối với thủy sản có khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu trong môi trường biến đổi khí hậu.

Nếu biến đổi khí hậu diễn ra theo đúng kịch bản thì GDP nông nghiệp của cả nước có thể tổn thất khoảng 1,67%. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về nước tưới và các hậu quả khác như xâm lấn mặn, hạn hán, xói mòn đất, rửa trôi. Khi đó 73% dân số cả nước gồm những nông dân nghèo đang sống ở những vùng dễ bị tổn thương và nương nhờ vào nông nghiệp sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của thiên tai, của biến đổi khí hậu là hết sức cấp thiết, góp phần quan trọng vào giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam./.
http://www.vietnamplus.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập228
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm224
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại726,477
  • Tổng lượt truy cập90,789,870
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây