Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã nảy sinh rất nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn...
Nội dung na ná như nhau
Song Phượng (huyện Đan Phượng) là một trong 19 xã điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP. Hà Nội. Thế nhưng, đến nay Song Phượng vẫn đang loay hoay trong khâu quy hoạch. Ông Nguyễn Hữu Tịnh- Phó phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết: “Cả huyện có 15 xã, hiện chúng tôi đang tiến hành xây dựng NTM điểm giai đoạn 1 cho 6 xã và một xã điểm của thành phố. Đến thời điểm này về cơ bản mới chỉ hoàn thành quy hoạch về kinh tế- xã hội chung”.
Bộ mặt nông thôn ở xã Tân Hội (Đan Phượng) đã có nhiều đổi thay. |
Theo ông Tịnh, hiện việc quy hoạch của huyện gặp rất nhiều khó khăn bởi vướng phải quy hoạch S1 (vùng trung tâm đô thị) của TP.
“6 xã nằm trong vùng S1 là Tân Lập, Tân Hội, Liên Hà, Liên Trung, Liên Hồng và một phần xã Hạ Mỗ. Do đó, việc quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng cần phải điều chỉnh lại theo quy hoạch của thành phố. Mặt khác, các xã thuộc phía tây thành phố (khu vực phát triển cây xanh) nên cũng phải điều chỉnh lại. Cũng vì thế, việc quy hoạch phân vùng sản xuất, khu công nghiệp, làng nghề rất khó khăn” - ông Tịnh nói.
Bắc Lũng cũng là một xã điểm được chọn xây dựng NTM của huyện Lục Nam (Bắc Giang), song đến nay khâu quy hoạch cũng rất bất cập. Ông Phạm Trọng Đường- Chủ tịch UBND xã Bắc Lũng cho biết: “Bây giờ để hoàn thành được quy hoạch, chúng tôi phải đi thuê các công ty tư vấn. Thường các công ty này chỉ lập được quy hoạch chung, nên dẫn đến quy hoạch kiểu chung chung, không phù hợp, thậm chí có hiện tượng “cóp nhặt” lẫn nhau trong quy hoạch. Đến nỗi, khi so sánh lại quy hoạch của các xã, có người còn nhận thấy trong bản vẽ, có nhiều chỗ còn sai lỗi chính tả như nhau”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các bản đồ quy hoạch của một số xã, hiện đều có chung một “mô- típ” như bối cảnh, bộ mặt của các xã NTM trong tương lai cứ na ná nhau. Kiểu vị trí A là vùng sản xuất nông nghiệp, B là khu làng nghề, C là khu dân cư…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Vỹ- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội (Đan Phượng) cho biết: “Chúng tôi có đi học hỏi các xã điểm, việc quy hoạch là dựa trên tình hình cụ thể của xã, đặt vùng sản xuất ở đâu, làng nghề ở đâu, chúng tôi đều bàn bạc rất kỹ với người dân. Còn việc giống các xã khác, thì tôi không biết. Có thể trùng ý tưởng hoặc do các đơn vị tư vấn trùng nhau”.
Quy hoạch theo kiểu chạy “sô”
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cho hay: “Huyện có tất cả 5 đơn vị tư vấn gồm: Tổng Công ty Phát triển Sông Đà 906 (tư vấn 3 xã); Công ty CP Kiến trúc Max Thái Sơn (3 xã); Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà ở Hà Nội (3 xã) và Công ty CP Dịch vụ Hà Hải (2 xã). Tuy nhiên, do thiếu đơn vị tư vấn, nên các đơn vị này thường phải “gánh” tới 3 – 4 xã, nên công việc rất nặng”.
Một khó khăn mà huyện Đan Phượng đang gặp phải là do địa bàn nằm giáp ranh với trung tâm thành phố, nên một số xã không được quy hoạch khu công nghiệp, làng nghề. Trong khi đó, theo bức tranh của NTM, mỗi xã phải có ít nhất 4 quy hoạch là: Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; quy hoạch xây dựng; quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch khu dân cư. Song với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, có thể sau vài năm nữa, sẽ lại phải quy hoạch lại, gây chồng chéo, lãng phí.
Ông Nguyễn Văn Tuấn
- Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng
Điển hình như ở xã Tân Hội, nếu theo đúng như quy hoạch, xã Tân Hội sẽ không có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, không có khu làng nghề, mà chủ yếu phát triển khu công nghiệp. Một thực tế khá phức tạp nữa là, hiện có nhiều huyện, xã cố “nắn” quy hoạch, sao cho “khu đất đấu giá” nằm ở vị trí “đắc địa” nhất để bán được giá, chứ chưa quan tâm nhiều đến việc có hợp lý hay không, trong khi lẽ ra quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phải được ưu tiên hàng đầu.
Ông Nguyễn Viết Toàn- Chi cục trưởng Chi cục PTNT Bắc Giang cho biết: “Quy hoạch xây dựng NTM là quy hoạch đa ngành, nhưng hầu hết các đơn vị tư vấn chưa có kinh nghiệm thực hiện quy hoạch này. Mặt khác, chủ đầu tư là Ban quản lý xã cũng không có cán bộ am hiểu về công tác quy hoạch, cộng với hướng dẫn thực hiện của T.Ư thay đổi liên tục. Do vậy, chúng tôi cũng không biết phải thực hiện quy hoạch như thế nào”.
Theo Danviet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã