Theo ngành nông nghiệp Bình Dương, ngay sau khi tái lập tỉnh, cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nông nghiệp cũng đã được tỉnh này chú trọng phát triển theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao. Trong giai đoạn 1997- 2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương đã chuyển giao cho nông dân những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, góp phần cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Các chính sách khuyến nông cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, như hỗ trợ vốn, vận chuyển, cung cấp vật tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Giai đoạn tiếp theo, Bình Dương đã ban hành Đề án Nông nghiệp công nghệ cao (2007-2010), đây là quyết định nhằm tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa an toàn... tiếp đó là Chương trình “Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015”. Qua việc thực hiện chương trình này, cơ cấu ngành nông nghiệp của Bình Dương đã tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao; trong đó cây lâu năm, chăn nuôi tập trung tiếp tục là thế mạnh của nền nông nghiệp Bình Dương.

Tỉnh Bình Dương cũng đã có những giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao và nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, đã tạo điều kiện cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Từ quyết định này, nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp của Bình Dương được hình thành, với hạn mức cho vay từ 50 triệu đồng đến hơn 5 tỷ đồng, lãi suất tối đa bằng 60% mức trần lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng loại trả sau do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trước xu hướng đất sản xuất nông nghiệp tại các đô thị đang giảm dần, để tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận nông dân đô thị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tỉnh Bình Dương đã khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị. Thực tế cho thấy, nhờ sự hỗ trợ thiết thực của địa phương, các mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả cao xuất hiện ngày càng nhiều ở Bình Dương…

Trong đó, những loại hình phù hợp với đô thị cần ưu tiên phát triển gồm nhóm loại hình trồng rau thực phẩm; cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; phát triển cây xanh đô thị và dịch vụ nông nghiệp… Ước tính, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn vùng phía Nam của tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đạt 3.783 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 98 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 1,6 tỷ đồng. Qua thời gian thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80% đến 100%.

Mới đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt báo cáo Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020” nhằm phát triển nông nghiệp đô thị với nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, đây là chương trình nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, kết hợp nông nghiệp truyền thống với nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm sản xuất ra phải theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn của sản phẩm. Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.

Theo ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, qua việc triển khai thực hiện chương trình, đề án của tỉnh, các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, đã hình thành các mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, rau thủy canh, rau mầm, cây cảnh ứng dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương...; trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại đã đầu tư sử dụng hệ thống chuồng trại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh, góp phần tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tiêu biểu như Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, với tổng diện tích 411,75 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng có diện tích 89,95 ha; Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại 2 xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo với diện tích 471 ha. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có vùng chăn nuôi tập trung kỹ thuật cao, với tổng đàn gia súc 380.000 con, tổng đàn gia cầm 3,2 triệu con..., tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích quy hoạch hơn 991 ha, tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng./.

K.V
 
http://dangcongsan.vn/