Lật ngược thế cờ…
Sáng 17.10, ông Nguyễn Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thông tin, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi, từ việc chủ yếu xuất khẩu gạo trắng hạt dài chất lượng thấp, đến nay, Việt Nam đã chuyển mạnh sang xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao và nếp. Đây là chuyện mà chỉ khoảng 2 năm trước, doanh nghiệp không dám mơ tới.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. K.H
"Các thương nhân khi xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu lúa với quy trình canh tác sạch thì thị trường tiêu thụ có ngay từ đầu chớ không cần phải đi xúc tiến hay tìm kiếm thị trường. Còn nếu không có được vùng nguyên liệu, nhà nước có hỗ trợ cả nghìn tỷ thì gạo Việt vẫn không bán được hoặc bán được thì giá cũng rất thấp”. Ông Phạm Thái Bình |
Gạo nếp và gạo tròn Japonica cũng có mức tăng trưởng mạnh. Có thời điểm, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam chỉ mong trồng được Japonica là “ngon” lắm rồi, vì đây là giống lúa trồng ở xứ ôn đới, trong khi nền nhiệt độ ở ĐBSCL khá cao. Thế nhưng đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được Japonica và lượng xuất khẩu cũng rất khá, chưa kể, có lúc giá Japonica Việt Nam còn cao hơn cả giá cùng loại của Mỹ.
Ông Huệ nhận định, nhu cầu thị trường thay đổi kéo theo định hướng cơ cấu sản xuất gạo cũng thay đổi theo, nhất là từ phía thị trường Trung Quốc. Còn theo kế hoạch trong Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 của Bộ Công Thương, Việt Nam cũng sẽ giảm dần xuất khẩu gạo về số lượng nhưng tăng giá trị xuất khẩu theo hướng bền vững.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4,5 - 5 triệu tấn, trị giá đạt bình quân từ 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2021 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hằng năm giảm chỉ còn 4 triệu tấn, trị giá khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD/năm.
Ông Nguyễn Hà Nam – Tổng Giám đốc Intimex Group, cho rằng, trên thực tế, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam có hai khu vực chính là châu Á và châu Phi. Khi xác định được khu vực tập trung như trên thì sẽ xác định được nhu cầu của người mua cũng như người bán, từ đó có các chiến lược phát triển thị trường hợp lý.
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: Sơn Hà
Hiện tại, gạo phẩm cấp thấp của Việt Nam không thể cạnh tranh với gạo các nước Thái Lan, Ấn Độ hay Pakistan vì giá thành. Ngay cả nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng cho rằng, Việt Nam “không có cửa” chen vào thị trường gạo cấp thấp.
Ông Nam cho ví dụ, khi Intimex chào giá gạo cấp thấp 350 USD/tấn thì các nước này chào 340 USD/tấn, mình chào 340 USD/tấn thì họ hạ xuống còn 320 USD/tấn nên không thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, có những sản phẩm vào thị trường Trung Quốc mà Việt Nam gần như độc quyền, ví dụ như gạo nếp. Năm 2016, xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 1,3 triệu tấn, con số này có thể đạt 2 triệu tấn trong năm nay.
Vẫn lo chuyện “gà nhà đá nhau”
Cùng với việc thay đổi cơ cấu gạo xuất khẩu, vài năm gần đây, tình trạng kinh doanh “hớt váng”, cạnh tranh hạ giá của chính các doanh nghiệp trong nước đã hạn chế nhiều, tuy vậy, các thương nhân vẫn lo chuyện “gà nhà đá nhau”.
Theo đại diện Sở Công Thương TP.Cần Thơ, hiện địa phương này có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có 30 đơn vị xuất khẩu trực tiếp. Thế nhưng, nghịch lý hiện nay là số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn rất nhiều, thậm chí thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản mà nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp tự “đá” lẫn nhau.
“Các doanh nghiệp Việt Nam thường thiếu sự liên kết trong hợp tác kinh doanh, nắm được điểm yếu này, các doanh nghiệp Trung Quốc cho người thâm nhập vào nắm thông tin, sau đó tung tin làm loạn thị trường để phía Việt Nam cạnh tranh nhau, đua nhau hạ giá chèn ép nhau...” - vị này phát biểu.
Còn theo ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phải được thực hiện từ “vùng nguyên liệu lúa”.
Trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, kể từ khi có các thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu lúa, doanh nghiệp liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, Việt Nam có thể cung cấp gạo chất lượng cao, đồng nhất chỉ 1 loại giống. Và cũng từ đó, các nhà nhập khẩu gạo đồng ý trả thêm cho Việt Nam từ 50 – 80USD/tấn gạo đồng nhất nêu trên.
Theo: Thuận Hải/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã