Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 sẽ có khoảng gần 10.000 ha diện tích cây trồng này, trong khi kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp là có khoảng 220.000 ha. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có những lý giải về quy hoạch này.
BNEWS: Xin Thứ trưởng cho biết, tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại đưa ra con số quy hoạch đến năm 2020 là gần 10.000 ha?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Quy hoạch phát triển cây mắc ca đã được thực hiện một thời gian tương đối dài, quá trình làm rất thận trọng để đảm bảo có căn cứ khoa học. Bởi, quy hoạch phát triển cây mắc ca không chỉ cần về điều kiện tự nhiên, sinh thái, đất đai có phù hợp hay không mà đây là quy hoạch một loại cây trồng để lấy thực phẩm. Cho nên quy hoạch về sinh thái, thổ nhưỡng… để cây sinh trưởng tốt, có quả mới chỉ là một bước.
Toàn diện quá trình từ thu hoạch, chế biến, bảo quản cũng phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm cũng như phải nghiên cứu thị trường đảm bảo làm sao mắc ca phát triển bền vững. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ quy hoạch những cây trồng khác, tránh được chuyện nay trồng mai chặt gây thiệt hại cho nông dân.
Chẳng hạn, theo quy trình chuẩn, từ khi thu lượm hạt chuyển sang tách vỏ chỉ trong vòng 3 giờ. Trong 24 tiếng sau khi tách vỏ phải đưa vào lò sấy và sấy trong điều kiện ít nhất 3 ngày, độ ẩm của hạt phải dưới 10%. Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là 18 độ C… Không như cà phê, sau khi thu hoạch có thể phơi khô, với hạt mắc ca nếu phơi khô chất lượng hạt sẽ hỏng. Do đó, cần có nhà máy chế biến gắn liền với vùng nguyên liệu.
Bài học của thế giới cho kinh nghiệm rất rõ, cùng là mắc ca nhưng thu hoạch, bảo quản chế biến không tốt giá sẽ rất khác nhau. Ở Australia, nếu giá mắc ca khoảng 3,6 USD/kg nhưng ở Nam Phi bình quân chỉ là 1-1,5 USD/kg. Nếu giá dưới 1,5 USD/kg là không có lãi, như vậy nếu trồng cây khác còn có lãi hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS
Bởi vậy, quy hoạch phát triển cây mắc ca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rất kỹ lưỡng. Có thể nói, chưa một loại cây nào được làm kỹ như cây mắc ca. Áp lực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi xây dựng quy hoạch này là làm sao đưa ra được luận cứ khoa học rồi đưa ra được quy hoạch để khi triển khai sẽ có hiệu quả.
Về thông tin 220.000 ha, đây chính là con số Viện Điều tra Quy hoạch rừng điều tra đưa ra. Viện đã điều tra và cho thấy, cây trồng này có khả năng phù hợp, sinh trưởng tốt với điều kiện tự nhiên ở diện tích trên.
BNEWS: Đã có nhiều loại cây trồng nông nghiệp bị phá vỡ quy hoạch. Với cây trồng mới này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự giám sát quy hoạch này như thế nào?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đơn vị giám sát không ai khác chính là chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn. Bộ cũng phải giám sát nhưng ở mức độ tổng quan. Giám sát của Bộ không phải là đi đo, đi tính mà là kiểm tra sự giám sát của địa phương.
Bây giờ chắc chắn Bộ sẽ phải hướng dẫn và chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo việc trồng mới đúng theo quy hoạch. Hiện nay, các địa phương đều chưa có quy hoạch, do đó, địa phương phải căn cứ vào quy hoạch chung này để xây dựng quy hoạch của mình.
Trước mắt từ nay đến năm 2020 chỉ những vùng được quy hoạch mới trồng và những vùng này phải đảm bảo giống tốt. Còn ở những nơi khác nếu trồng thì rủi ro cao.
BNEWS: Cây giống được coi là then chốt cho sự thành công của cây mắc ca. Thời gian vừa qua, nhu cầu mở rộng diện tích mắc ca đã từng nóng lên và giống trôi nổi trên thị trường không được kiểm soát chất lượng đã bùng phát. Vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có giải pháp gì trong công tác quản lý giống?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Trong quy hoạch, một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên là quản lý được nguồn giống để sản xuất ra cây mắc ca. Do đó, dứt khoát phải tăng cường quản lý giống, công bố công khai những đơn vị, cơ sở cung ứng giống đạt chất lượng tốt. Cấm các đơn vị lợi dụng quy hoạch này cung ứng giống không đảm bảo yêu cầu như thời gian qua.
Giống đảm bảo chất lượng trước hết đó phải là giống đã được Nhà nước công nhận. Hiện nay, đã có 10 giống được công nhận, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo việc khảo nghiệm để khẳng định, công nhận. Thứ hai giống đó phải là được sản xuất bằng ghép, nếu trồng giống thực sinh thì rủi ro là rất cao.
BNEWS: Đã có một thời gian cây trồng này nóng lên, vậy Thứ trưởng có khuyến cáo như thế nào đối với người dân cũng như các địa phương về việc trồng mắc ca?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Quy hoạch này chính là khuyến cáo cao nhất. Chúng tôi xác định rằng từ nay đến năm 2020 chỉ trồng khoảng 10.000 ha, cũng chủ yếu là trồng xen, còn trồng thuần cũng khoảng trên 2.350 ha. Bộ đã có khuyến cáo cụ thể đối với từng địa phương trong khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên và cũng đề nghị với các cơ quan chức năng địa phương trên cơ sở định hướng chung có quy hoạch chi tiết đến từng địa bàn và hướng dẫn nông dân từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi với bà con đảm bảo thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, có những chương trình kêu gọi các doanh nghiệp vừa đầu tư vào khâu chế biến, vừa liên kết, hỗ trợ cho dân để có nguồn nguyên liệu. Như vậy, cây mắc ca mới phát triển bền vững.
BNEWS: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
theo Bnews
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã