Hệ thống đường giao thông ở Sơn A ngày càng hoàn thiện.
Nằm trong cánh đồng Mường Lò, Sơn A có diện tích tự nhiên 864,37ha, trong đó diện tích lúa là 205ha; dân số 5.004 người với 1.163 hộ, sinh sống ở 10 thôn, bản. Xã có 11 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Thái chiếm 55%, người Mường khoảng 38%, còn lại là các dân tộc khác. Hết năm 2015, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 15,8 triệu đồng/người.
Phần lớn diện tích đất canh tác của Sơn A là đất lúa 2 vụ, sau 2 vụ lúa, vụ đông cũng được phủ kín trên toàn bộ diện tích đất gieo trồng. Trước tình trạng đất hẹp, dân số tăng, diện tích thì không thay đổi, để không ngừng nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, bà con nơi đây đã tích cực thâm canh gối vụ, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Trong xây dựng nông thôn mới, hai tiếng quê hương được bà con Sơn A rất trân trọng, được chính quyền nơi đây triển khai với tinh thần đầy trách nhiệm; từ lãnh đạo xã cho tới các cán bộ cấp thôn, tất cả đều nhiệt tình, tâm huyết, tích cực tuyên truyền giúp bà con địa phương nhanh chóng hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong xây dựng nông thôn mới, quá trình này bắt đầu từ đâu, ai là chủ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Ông Sầm Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Sau 5 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Sơn A đã có nhiều đổi mới; từ đời sống vật chất tới kết cấu hạ tầng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và đại bộ phận quần chúng nhân dân đều được nâng lên. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát”, kết hợp với quan điểm, tiêu chí dễ, cần ít kinh phí làm trước, tiêu chí khó làm sau; đồng thời chú trọng tập trung vào các tiêu chí có sự tác động tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tới nay, Sơn A đã đạt 10/19 tiêu chí. Nhân dân toàn xã đã hiến 37.471m2 đất, chặt 2.800 cây các loại, tham gia đóng góp khoảng 1,9 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để hoàn thiện các công trình hạ tầng.
Cũng theo ông Tuấn: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, dù là hạng mục nhỏ hay công trình lớn, chúng tôi đều triển khai cho dân biết. Đối với công tác xây dựng đường giao thông ngõ xóm hay nhà văn hóa thôn và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, chúng tôi đều tạo điều kiện để nhân dân tự làm chủ, tự quyết định. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng việc nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng giống lúa có chất lượng cao như Séng Cù, Chiêm Hương... Cùng với việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chúng tôi còn quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là việc đào tạo nghề cho lao động trẻ, giúp các cháu sớm có nghề, đáp ứng được sự đòi hỏi của xã hội, lợi thế của địa phương”.
Đến Sơn A hôm nay, có lẽ ai cũng sẽ cảm giác như đang đi giữa một vùng quê của đồng bằng Bắc Bộ chứ không phải tại một địa phương vùng núi Yên Bái; nơi đây có cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những ruộng rau, ruộng cà, ruộng ngô đều đều, thẳng tắp, đang đua nhau phơi phới vươn lên. Với quan điểm tất cả vì nhân dân, luôn tạo điều kiện phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, lại được kết hợp cùng sự trù phú của đất, sự cần cù chịu khó của người dân, sự tận tụy phục vụ của lãnh đạo địa phương và nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên ban tặng, tin rằng thời gian tới, Sơn A sẽ gặt hái thêm nhiều thành tích, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm cán đích.
Theo kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã