Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai nhiệm vụ cấp bách 6 tháng cuối năm 2015 diễn ra ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức phát nhấn mạnh: “Sản xuất tiêu dùng trong nước có dư để xuất khẩu, không xuất được thì ăn, cách tiếp cận này hoàn toàn không còn phù hợp. Kể cả tiêu dùng trong nước cũng phải làm cho ngành chăn nuôi của nước ta cạnh tranh quốc tế”.
Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến giá thành cao, sản phẩm không có sức cạnh tranh. Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, Việt Nam đang đứng thứ hạng nhất nhì thế giới về số lượng đàn vịt, thứ 5 thế giới về đàn lợn nhưng giá trị, chất lượng thì thua xa.
Hiện nay chúng ta xuất khẩu cà phê, hồ tiêu 90%, cao su 80%, …nhưng ngành chăn nuôi xuất khẩu chưa đáng kể. Thị trường chỉ trói ở 90 triệu dân. Trong khi đó Đan Mạch với 5 triệu dân nhưng có 8 triệu đầu lợn, xuất khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới. Hay như Thái Lan, năm 2014 xuất khẩu gia cầm đạt 40 tỷ USD.
Trước thực trạng của ngành, Bộ trưởng yêu cầu phải đặt ngành Chăn nuôi của Việt Nam vào “bản đồ” chăn nuôi thế giới, thay đổi cách tiếp cận trong việc phát triển ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, cạnh tranh cao về chất lượng, giá trị trong tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng trong năm nay chúng ta sẽ ký 5-6 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có những đối tác hết sức mạnh mẽ. Đó là thịt bò Úc, thịt lợn Đan Mạch, thịt gà Thái Lan…. Việt Nam sẽ trở thành thị trường tự do của các nước buộc ngành chăn nuôi phải chuyển hướng, làm kiên quyết, cấp bách các giải pháp để có một nền chăn nuôi cạnh tranh quốc tế. Cạnh tranh không phải để xuất khẩu mà để đứng vững ở sân nhà. Không còn chỗ cho sự lưỡng lự nếu không muốn ngành chăn nuôi thất bại.
Cũng theo Bộ trưởng, tái cơ cấu không phải là chạy theo số lượng đầu con mà phải tập trung vào năng suất, chất lượng, giảm giá thành chăn nuôi.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã liên tục nhấn mạnh “Đây không phải là hội nghị biểu dương, báo cáo thành tích, hay sơ kết mà tôi coi là hội nghị Diên Hồng của ngành chăn nuôi. Tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn tìm ra giải pháp về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng…để tháo gỡ, hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển”.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết tồn tại lớn nhất của ngành chăn nuôi chính là nâng cao chất lượng. Để giải quyết vấn đề cần sự vào cuộc của các cấp các ngành đặc biệt là các doanh nghiệp; Thứ hai là công tác quản lý giống, sử dụng thức ăn hợp lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Vân cũng cho biết, từ nay đến cuối năm Cục sẽ tăng cường một số giải pháp quyết liệt. Thứ nhất là khống chế dịch bệnh; Tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển trong lĩnh vực này; Phát triển xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; Thực hiện tốt giải pháp chế biến và giết mổ, nâng cao giá trị sản xuất cho người chăn nuôi và tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng.
Ông Phan Văn Báu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến: Khó khăn lớn nhất của tỉnh là chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, khoảng 40%. Trong đó có 32.000 hộ nuôi gà, 23.000 hộ nuôi lợn. Năm 2014 tỉnh phải bỏ ra hơn 60 tỷ đồng để tiêm phòng dịch cho đàn nhỏ lẻ, tạo gánh nặng lớn cho Nhà nước, khó khăn trên thị trường.
“Cạnh tranh hiện nay kém vì giá thành quá cao. Nếu giá tụt xuống thì người chăn nuôi thua lỗ. Nguyên nhân giá cao là do chúng ta bị phụ thuôc vào giống và thức ăn. Hiện nay thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành. Mặc dù Đồng Nai sống trên vùng nguyên liệu nhưng vẫn bị phụ thuộc. Nếu không tháo gỡ hai nút thắt này thì chúng ta không thể cạnh tranh, phát triển được”, ông Báu nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện chăn nuôi, ngành chăn nuôi có 4 nút thắt lớn gồm: năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp. Năng suất thấp nhưng giá thành lại cao; Liên kết sản xuất quá lỏng lẻo, chưa có liên kết dọc; Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Chừng nào vẫn còn tình trạng tồn dư chất cấm, kháng sinh thì không thể xuất khẩu được; Thủ tục hành chính gây phiền hà, phiền nhiễu đối với doanh nghiệp.
Rất nhiều giải pháp để tháo gỡ năng suất, chất lượng nhưng ông Sơn cho rằng cái chính là tạo đột phá về giống. Có chính sách khuyến khích, lôi kéo doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi.
“Trong số nửa triệu doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thì trong ngành chăn nuôi chỉ có khoảng 368 doanh nghiệp đầu tư vào, mà chủ yếu đầu tư về thức ăn chăn nuôi. Một con số quá ít”, ông Sơn bày tỏ.
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cũng cho rằng, hiện nay vẫn còn nhận thức vẫn coi chăn nuôi không phải là ngành để đẩy mạnh xuất khẩu mà chỉ là ngành sản xuất phục vụ hàng hóa trong nước. Tư duy này cần phải thay đổi nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang ký kết các Hiệp định thương mại tự do.
Diệu Thùy
theo http://infonet.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã