Ghi dấu chặng đường đã qua là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cán bộ và khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đồng chí Lê Hữu Tùng, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, cho biết: Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2010 mới đạt 11,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18%, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 75%; cơ sở vật chất, giáo dục chưa đạt chuẩn, nhà văn hóa, khu thể thao còn thiếu, công sở làm việc chưa đáp ứng nhu cầu; hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ cho sản xuất và đi lại, mới đáp ứng được 40-50% so với yêu cầu. Trước thực trạng đó, ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, qua đó nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn từng bước được nâng lên. Nhân dân tin tưởng, đồng lòng, ủng hộ và tham gia một cách chủ động, tự giác, trách nhiệm. Hầu hết các hoạt động về kinh tế, văn hóa - xã hội của các thôn đều gắn với mục tiêu xây dựng NTM đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM của Thọ Diên là quyết tâm gỡ “nút thắt” trong phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập. Qua đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp địa phương, xác định điểm nghẽn lớn nhất là tư liệu sản xuất, đất đai manh mún, nhỏ lẻ. Xã đã thực hiện tích tụ ruộng đất, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, thực hiện thành công cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có nhiều giải pháp thúc đẩy HTX dịch vụ nông nghiệp phát triển, làm bà đỡ cho hộ sản xuất nông nghiệp, tạo chuỗi giá trị, mối liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp. Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã lần thứ 28, nhiệm kỳ 2015-2020, xã đã thực hiện tích tụ ruộng đất 37 ha; triển khai thí điểm trên 34 ha giống cây mới có giá trị kinh tế cao như cây sa chi 1,5 ha, cây lá gai xanh 8 ha, bưởi, cam 15 ha... cho hiệu quả cao trên đơn vị sản xuất. Đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, địa phương vẫn đang phát triển theo quy mô hộ gia đình, tiếp tục động viên nhân dân duy trì các ngành nghề phục vụ nhằm mở rộng phát triển thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Đơn cử như việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống bánh gai làng Mía, Tứ Trụ. Tại đây, có 136 hộ đang làm nghề, trong đó có khoảng 50 hộ làm chuyên nghiệp, còn lại là hộ làm thời vụ. Nhờ có nghề làm bánh gai mà kinh tế các gia đình đều ổn định và khá giả. Năm 2015, làng Mía đã được công nhận là làng nghề và thành lập Hiệp hội Bánh gai Tứ Trụ - Thọ Diên. Bánh gai Tứ Trụ là đặc sản xứ Thanh, đã được UBND huyện Thọ Xuân đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Bộ Khoa học và Công nghệ, có chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Đánh giá tình hình triển khai các mô hình sản xuất tại địa phương, đồng chí Lê Hữu Tùng, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã khẳng định: Các mô hình sản xuất đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân và chương trình xây dựng NTM. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/năm.
Đến thời điểm hiện tại, xã đã được huyện thẩm định đạt 19/19 tiêu chí NTM, phấn đấu giữa tháng 11 năm 2018 về đích NTM. Để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, xã đang xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ; xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn; mô hình công nghệ cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời huy động các HTX, các doanh nghiệp tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; hoàn thành chương trình mục tiêu tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu nền nông nghiệp, đáp ứng xu thế kinh tế hội nhập.