Thời gian gần đây, các địa phương ở khu vực miền Trung đã tích cực triển khai mô hình DN cung ứng vật tư nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân… Mô hình này đã góp phần thực hiện mục tiêu sản xuất hàng hóa tập trung theo phương pháp hữu cơ; đảm bảo năng suất, chất lượng, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ ổn định; Từng bước xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông sản…
Gắn kết DN và nhà nông góp phần tìm đầu ra cho nông sản |
Tại khu vực miền Trung, CTCP Giống cây trồng Nha Hố (Nha Hố Seed) ở Ninh Thuận là một trong những DN tiên phong trong việc thực hiện mô hình thí điểm DN - HTX - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp.
TS. Vũ Xuân Long, Uỷ viên HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Giống cây trồng Nha Hố cho biết, với việc DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Agribank Ninh Thuận, đã tạo nhiều thuận lợi cho DN. Cụ thể, với số vốn ưu đãi này công ty đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với khoảng 1.070 hộ nông dân trên địa bàn Nam Trung bộ. Công ty đầu tư chi phí sản xuất giống ban đầu, cung ứng vật tư kỹ thuật, giống cây trồng, phân bón và đặc biệt tổ chức bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân.
Điều này, góp phần giúp DN có nguồn hàng ổn định, chủ động trên thị trường. Người nông dân cũng yên tâm với đầu ra của sản phẩm. Ngoài việc DN được hưởng lợi, việc tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp còn mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân khi tham gia chương trình, góp phần quan trọng để gắn kết DN với nhà nông.
Ngoài Ninh Thuận, tại khu vực miền Trung một số địa phương khác cũng đang đẩy mạnh mô hình DN cung ứng vật tư nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân. Trong đó, có thể kể đến tỉnh Quảng Nam hay Thừa Thiên - Huế… Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt dự án mô hình thí điểm DN - HTX - nông dân tiêu thụ lúa giống và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với vùng sản xuất tập trung tại huyện Đại Lộc.
Dự án do Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam thực hiện. Theo đó, dự án sẽ xây dựng cơ chế liên kết giữa các thành viên trong mô hình sản xuất - tiêu thụ nông sản - cung ứng vật tư nông nghiệp, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của từng thành viên, trên cơ sở đó nhân rộng mô hình.
Theo đại diện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, đối với mô hình thí điểm DN - hộ kinh doanh - nông dân tiêu thụ sắn và cung ứng vật tư nông nghiệp vùng sản xuất không tập trung trên địa bàn, Quảng Nam đã chọn CTCP Tinh bột sắn Quảng Nam và các hộ kinh doanh làm đầu mối tiêu thụ sắn tại huyện Quế Sơn, Hiệp Đức và 45 hộ nông dân trồng sắn tại các địa phương trên làm thí điểm.
Dự kiến đến năm 2022, diện tích trồng sắn ngày càng được mở rộng theo hướng sử dụng giống năng suất cao, thâm canh sắn xen đậu phộng trên đất lúa chuyển đổi đạt 14 nghìn ha... Đồng thời, dự án cũng khuyến khích các DN xây dựng nhà máy chế biến gắn với các vùng nguyên liệu. Chi nhánh CTCP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình - CT Giống cây trồng miền Trung - Tây Nguyên và 57 hộ nông dân tại huyện Đại Lộc được chọn tham gia mô hình thí điểm nêu trên.
Tương tự, tại Thừa Thiên - Huế các cơ quan chức năng cũng đang triển khai thực hiện dự án “Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp”. DN được lựa chọn thực hiện là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp hữu cơ Quế Lâm, các HTX và hộ nông dân. Sản phẩm được đưa vào mô hình thí điểm đó là sản phẩm lúa hữu cơ và chăn nuôi lợn hữu cơ.
Dự án được thực hiện tại huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy. Triển khai thực hiện dự án, người nông dân trực tiếp tham gia mô hình sẽ được cơ quan chức năng và DN hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi hữu cơ đảm bảo chất lượng. Người dân được hỗ trợ xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm với giá đầu ra ổn định. Dự án được kỳ vọng sẽ tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương…
Ngoài các địa phương ở khu vực miền Trung, đến nay mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đang được triển khai ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Bước đầu, mô hình từng bước tháo gỡ những khó khăn cho sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường chủ yếu còn ở dạng thô bị ép bán với giá thấp; giải quyết được sự bất ổn trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm trước đây.
Đặc biệt, còn góp phần đảm bảo tiêu thụ ổn định cho người sản xuất nông sản bằng các hợp đồng kinh tế; Góp phần khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, tăng thu nhập cho người nông dân…
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc các DN cung ứng vật tư nông nghiệp, rồi tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân vẫn còn gặp những khó khăn. Đến nay, số lượng các DN tham gia mô hình còn khá ít. Lý do chính khiến DN còn ngần ngại là thói quen, tập quán canh tác lạc hậu của nhiều hộ nông dân. Đặc biệt, vẫn còn những trường hợp bà con tự ý “bẻ kèo”, mặc dù đã ký kết hợp đồng với DN.
Theo đó, một số trường hợp hộ nông dân đã đơn phương phá vỡ hợp đồng, bán sản phẩm cho các mối khác, hoặc không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật mà DN đã quy định... Những điều này làm ảnh hưởng đến sợi dây liên kết cũng như uy tín, thương hiệu của DN…
Bài và ảnh Nghi Anh/http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã