Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đến năm 2020. Đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.123 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 10.454 tỷ đồng và 5 triệu USD (bao gồm 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), thu hút một số tập đoàn lớn vào đầu tư như Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tập đoàn FLC...

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN).

 

Với mục tiêu đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm 2016 – 2020 đạt trên 8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 2.400 USD, sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, tỉnh tập trung vào ba khâu đột phá gồm đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, năm 2020, thu hút 1,7 triệu lượt khách. Các nhiệm vụ trọng tâm được Tuyên Quang đặt ra là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới; phát triển và năng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 

Đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng 5 năm 2011 – 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 của Tuyên Quang, Phó Thủ tướng cho rằng Tuyên Quang là tỉnh có xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế còn khó khăn nhưng thời gian qua, chia sẻ với khó khăn của Trung ương, tỉnh đã bám sát Nghị quyết của Trung ương, có nhiều đổi mới sáng tạo, tự lực, năng động và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho 5 năm tới. Tuyên Quang đã thoát khỏi danh sách tỉnh kém phát triển với thu nhập bình quân đầu người trên 1.342 USD vào năm 2015, với một tỉnh miền núi đạt con số này là không đơn giản. Tỉnh cũng đã có cách làm bài bản trong tái cơ cấu nông nghiệp, xác định rõ là tiềm năng của tỉnh và triển khai đúng hướng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Mặc dù số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn còn khiêm tốn, 10 trên tổng số 129 xã nhưng Phó Thủ tướng cho rằng điểm nổi bật của Tuyên Quang là số tiêu chí bình quân đạt khá cao, 10,3 tiêu chí, hơn 1 tiêu chí so với mức bình quân của khu vực Tây Bắc và không có xã nào dưới 5 tiêu chí. Phó Thủ tướng nhận định mục tiêu Tuyên Quang đặt ra đến năm 2020 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hoàn toàn có thể đạt được. Đánh giá cao Tuyên Quang trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng tỉnh đã đưa số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia lên gần 98% là một số liệu ấn tượng.

Cho rằng để đạt được chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm 2016 – 2020 đạt trên 8%, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Tây Bắc là một nhiệm vụ nặng nề, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bám sát và phân tích tình hình trong nước, quốc tế, phấn đấu đạt bằng được chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đặt ra cho năm 2016. Sở Kế hoạch và Đầu tư phải phát huy hơn nữa vai trò nhạc trưởng, vai trò tham mưu, cập nhật đầy đủ tình hình, số liệu thống kê, kịp thời tham mưu với Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Tuyên Quang cần làm rõ các định hướng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng điểm về phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ cũng như phát triển doanh nghiệp và sắp xếp lại các công ty nông , lâm nghiệp. Phó Thủ tướng khẳng định, Tuyên Quang hiện có 90% dân số là nông nghiệp, 70% lao động trong khu vực nông nghiệp, không có cách nào khác là phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, kết hợp nông thôn mới với đô thị hóa.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh tập trung đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là chi tiêu công, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. “Thủ tướng nói có tiền không tiêu được, mà tăng trưởng, việc làm, thuế là ở đây cả. Vướng mắc gì quyết liệt gỡ từng việc một” – Phó Thủ tướng nói. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh thành lập tổ rà soát, đánh giá tiến độ đầu tư công, đồng thời khơi thông dòng vốn tín dụng cho phát triển nông, lâm nghiệp, tập trung vào chăn nuôi gia súc, tận dụng triệt để các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất lớn với 5 loại cây: mía, cam, chè, lạc và cây rừng làm nguyên liệu cho sản xuất chế biến gỗ…; xây dựng các mô hình nông hộ, nông trại kết hợp với trồng cây đặc sản, có chỉ dẫn địa lý. Về công nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng Tuyên Quang cần tập trung hút ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp vật liệu xây dựng, những công nghiệp giải quyết được nhiều lao động; tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp khai khoáng.

Là tỉnh có tiềm năng thế mạnh về du lịch với gần 500 di tích lịch sử, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung phát triển du lịch lịch sử, du lịch về nguồn, tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và du lịch sinh thái. Tỉnh cần có đánh giá về môi trường du lịch, hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch.

Về phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì chỉ số PAPI, cải thiện chỉ số PCI. Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, Tuyên Quang bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp lớn, cần tìm giải pháp để phát triển doanh nghiệp mới, nâng hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sắp xếp lại các công ty nông lâm nghiệp, để có 2.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Đối với kiến nghị của tỉnh về triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Đoan Hùng kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, thiên về hướng đầu tư theo hình thức BOT, trong đó có tính toán phương án thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người dân.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã đi thăm, dâng hương tại lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến 22/8/1945 và đình Tân Trào, nơi họp Quốc dân Đại hội năm 1945 trên địa bàn huyện Sơn Dương; dâng hương tại đền thờ Bác Hồ ở thành phố Tuyên Quang. Phó Thủ tướng cũng đi thăm và trồng cây lưu niệm tại di tích Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ (thôn Lập Binh, xã Bình Yên); thăm, tặng quà các hộ gia đình có công với cách mạng ở làng Văn hóa Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương). Cũng trong sáng 18/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi thăm mô hình xã nông thôn mới Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn), khảo sát khu vực trồng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm (huyện Yên Sơn) do các hộ dân nhận khoán, được Công ty cung cấp vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm./.

 

Theo Thanh Vân – Quang Cường/TTXVN