Từ sau đổi mới, sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa vào phương thức sản xuất nông hộ nhỏ, và đã tạo được tăng trưởng lớn về sản lượng và trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn. Mặc dù vậy, phương thức này khi hội nhập vào thị trường lớn đã bộc lộ một số nhược điểm như năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, dẫn đến khả năng cạnh tranh kém, thu nhập của nông dân tăng chậm. Vấn đề đặt ra là tái cơ cấu nông nghiệp cần tạo ra khả năng mới cho sản xuất hàng hoá có quy mô lớn, năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ, nâng cao thu nhập của nông dân. Để đạt được mục tiêu này, cần gắn liền xây dựng nông thôn mới với tổ chức lại sản xuất, bao gồm các hộ, trang trại, các doanh nghiệp, các hợp tác xã kiểu mới. Cần coi hợp tác xã là tổ chức sản xuất mang tính phổ biến trong sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay.
Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Nhìn chung, thời gian qua, hợp tác xã, tổ hợp tác ở nước ta đã có bước phát triển tích cực. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có khoảng 10.339 hợp tác xã, trong đó có 9.221 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tổng hợp và 1.136 hợp tác xã chuyên ngành, trong đó có 313 hợp tác xã chuyên thuỷ lợi, 125 hợp tác xã lâm nghiệp, 601 hợp tác xã thuỷ sản và 79 hợp tác xã diêm nghiệp. Tổng số xã viên hợp tác xã nông nghiệp cả nước có khoảng 6,7 triệu, bình quân mỗi hợp tác xã nông nghiệp có 660 xã viên. Cũng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 61.571 tổ hợp tác trong nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong hai năm 2013 và 2014, có gần 400 hợp tác xã và trên 1.000 tổ hợp tác được thành lập mới. Nhờ bước phát triển mới của hợp tác xã, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động ở khu vực hợp tác xã nông nghiệp đạt từ 0,7 - 1,5 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của người lao động ở khu vực hợp tác xã phi nông nghiệp đạt từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.
Chăm sóc cây cảnh tại khu HTX Làng nghề cây cảnh Vị Khê (Nam Định) |
Tuy nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã mới, mô hình liên kết, liên doanh đa dạng về quy mô và phương thức hoạt động có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực chuyên ngành. Vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng thu nhập cao được khẳng định, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích cánh đồng lớn và liên kết sản xuất tăng mạnh, đặc biệt là về lúa gạo. Năm 2014, diện tích cánh đồng lớn đã lên tới 196.000 ha, tăng 41% so với năm 2013. Việc liên kết giữa nông hộ với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với mía đường, chè, bò sữa,… được củng cố. Các hợp tác xã đánh bắt hải sản xa bờ phát triển nhanh và hoạt động khá hiệu quả ở các địa phương ven biển. Bên cạnh việc hỗ trợ cho xã viên, các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đã có hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân. Nhiều cơ chế chính sách được ban hành, đã có tác dụng thiết thực và trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai. Nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn. Hạ tầng thiết yếu được xây dựng, nâng cấp, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tính đến tháng 9/2014, bình quân mỗi xã tăng 5,2 tiêu chí. Cả nước đã có khoảng 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới và gần 1.285 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí. Đây là một kết quả lớn đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hợp tác xã và tổ hợp tác.
Những tồn tại cần sớm được giải quyết
Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế hợp tác xã đã có bước phát triển mới, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Điều này đã dẫn tới nhiều hệ luỵ liên quan như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông hộ thấp. Các hoạt động khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn do thiếu các tác nhân trung gian làm bệ đỡ cho kinh tế nông hộ. Chi phí giao dịch trong liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp còn lớn, khiến cho các doanh nghiệp có khả năng gặp nhiều rủi ro và không mặn mà với sự đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Mô hình cánh đồng lớn là một hướng đi quan trọng của nông nghiệp trong tương lai, nhưng vì thiếu các hợp tác xã làm trung gian liên kết nông dân với doanh nghiệp khiến mô hình này khó nhân rộng ra được.
Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp thời gian qua hoạt động khó khăn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tốt ước tính chỉ đạt khoảng 10%. Giá trị sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ bé, bình quân chỉ đạt trên dưới 1 tỷ đồng/hợp tác xã. Khoảng 20% hợp tác xã trên thực tế đã dừng hoạt động nhưng chưa giải thể được do vướng mắc trong quá trình xử lí tài sản, công nợ. Số lượng hợp tác xã chuyên ngành, đặc biệt là các hợp tác xã chuyên ngành ứng dụng sản xuất công nghệ cao hoạt động có hiệu quả rất ít. Cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã còn nghèo nàn. Cán bộ quản lý hợp tác xã đa số chưa qua tập huấn nghiệp vụ chuyên môn. Có tới 65% chủ nhiệm hợp tác xã có trình độ văn hoá chưa qua cấp 2.
Các tổ hợp tác nhìn chung vẫn có quy mô nhỏ, bình quân khoảng từ 10-30 thành viên/tổ. Nội dung hợp tác giữa các thành viên chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật, áp dụng giống mới, dịch vụ thuỷ lợi, có rất ít các tổ hợp tác có các hoạt động kinh doanh. Liên kết sản xuất giữa các tổ hợp tác với các doanh nghiệp còn hạn chế, do tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân. Thành viên ban điều hành tổ hợp tác hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nên việc quản lý tổ chức hoạt động hiệu quả không cao.
Việc tổ chức liên kết chưa được thực hiện rộng rãi trên địa bàn cả nước, hiện mới chỉ chủ yếu thực hiện với ngành lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, mía đường, chè, cà phê, sữa. Nhìn chung, các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp hiện nay chưa phát huy được nhiều về vai trò là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Việc triển khai liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn chưa được triển khai rộng rãi.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả của hợp tác xã
Để thúc đẩy phát triển hợp tác xã nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác. Các cấp, các ngành cần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã để các cấp uỷ đảng, chính quyền, toàn xã hội có sự thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức và hành động.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn của khu vực kinh tế hợp tác trong từng ngành, từng địa phương và lĩnh vực sản xuất cụ thể để xây dựng kế hoạch và giải pháp đổi mới, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trong phạm vi cả nước. Cố gắng trong năm 2015 ban hành Nghị định về hợp tác xã nông nghiệp cũng như các chính sách về liên kết trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ hải sản, muối, trang trại…
Tăng cường và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng ban hành chương trình khung đào tạo từ thực tiễn, đào tạo tại các mô hình, tăng nội dung tập huấn về kỹ năng, trao đổi, thảo luận. Tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác. Tổ chức tập huấn cho chủ trang trại, tổ hợp tác và liên kết xây dựng cánh đồng lớn.
Hiện đại hoá công nghệ, đẩy mạnh cơ khí hoá, tự động hoá, tin học hoá trong các hợp tác xã. Có cơ chế khuyến khích ứng dụng mạnh khoa học công nghệ, phát triển mạnh hơn công nghiệp phục vụ nông nghiệp nhằm góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản. Tăng nhanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp. Phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp cần tổ chức và xây dựng phù hợp với mô hình tổ chức quản lý mới trong nông nghiệp với bộ máy quản lý gọn, linh hoạt và năng động. Mở thêm các dịch vụ về thương mại, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, cung cấp xăng dầu, xây dựng, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp cần nắm bắt thời cơ, mạnh dạn đầu tư xây dựng lực lượng lao động có kỹ thuật, tham gia đấu thầu các công trình xây dựng hạ tầng ở nông thôn như đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, trạm xá, các dịch vụ cơ khí, vận tải ở nông thôn.
Xây dựng chính sách khuyến khích người nông dân, các hộ xã viên tự nguyện nhượng đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp tạo nên những cánh đồng lớn hoặc những vùng chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản lớn để có điều kiện ứng dụng khoa học tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng...
Theo: kinhtetrunguong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã