“Nghẽn” khi ứng dụng công nghệ
Hàng ngày, ông Vương Đình Phi (59 tuổi) theo dõi vườn cà chua và dâu tây của mình tại ấp Thánh Mẫu, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng giống như bao nông dân khác. Nhưng có điểm khác là ông không trực tiếp ra vườn mà ngồi nhà chăm sóc vườn cây qua… smartphone.
Vườn cây của ông Phi được trang bị nhà kính, hệ thống tưới tự động, có trung tâm điều khiển các van điện, máy bơm, dàn ống tưới. Ngoài ra, vườn còn lắp các bộ phận giám sát trạng thái môi trường không khí nhà kính (vi khí hậu), bộ phận quan sát thời tiết với độ chính xác cao. Ngoài hệ thống tưới tự động, ông Phi còn lắp đặt 16 camera để quan sát sâu bệnh nên dù sâu có bò vào ban đêm cũng dễ dàng phát hiện.
Với mô hình nông nghiệp công nghệ cao như vậy, vườn của ông Phi không cần quá nhiều lao động mà chỉ cần vài kỹ sư nông nghiệp. Không chỉ ông Phi, hiện nay đang có làn sóng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhằm đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản.
Tuy nhiên, một trong những điểm “nghẽn” trong việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp hiện nay lại chính là nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất nông thôn thấp và còn nhiều hạn chế. Lực lượng lao động lành nghề, có chuyên môn đang thiếu nhưng lại dư thừa lao động phổ thông. Chính trình độ của người lao động đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận khoa học công nghệ, tạo rào cản trong việc xây dựng một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Tuấn dự báo, khi ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới, nền nông nghiệp Việt Nam với năng lực lao động còn hạn chế sẽ đối mặt với nguy cơ các nước phát triển nắm thế chủ động trong việc tự cung tự cấp lương thực. Điều đó đồng nghĩa người nông dân ít trang bị công nghệ sẽ dần mất việc làm và nguồn tiêu thụ vào tay nông dân công nghệ cao, khi đó, nông dân, nhóm người vốn bấp bênh về công việc, cũng sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Thay đổi để tồn tại
Một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng của nguồn nhân lực khu vực nông thôn hạn chế là công tác giáo dục nghề. Cụ thể, hệ thống giáo dục nghề hiện nay còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế trung ương, để chuẩn bị nguồn lao động cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, cần bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, công tác đào tạo cần tập trung mục tiêu dài hạn vào các lĩnh vực then chốt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý. Đồng thời, cần khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện hợp tác đào tạo tại vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc này cũng nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia về công nghệ sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, chế tạo máy móc. Đội ngũ này nhằm phục vụ cho sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông lâm thuỷ sản.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để cuộc cách mạng công nghệ thành công, ngoài việc trang bị cơ sở vật chất đồng bộ còn phải có nguồn lực con người có trình độ kỹ thuật cao. Do đó, cơ sở dạy nghề cần thay đổi phương thức dạy, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, thực học, thực nghiệm. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm nguồn đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên doanh…
Bà Lan cũng cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là liên doanh với nhóm doanh nghiệp lớn để hình thành mô hình đào tạo mới, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp để hỗ trợ người khởi nghiệp phát triển các ý tưởng sáng tạo. Đây cũng là cách khơi dậy niềm đam mê cho sinh viên nông nghiệp, đồng thời là những hỗ trợ bước đầu cho các doanh nghiệp nông nghiệp 4.0.
Thùy Dung/sgtiepthi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã