Ba địa phương vùng Đồng Tháp Mười, gồm Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp đang kêu gọi đầu tư vào 16 dự án nông nghiệp trọng điểm của khu vực này với tổng số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Theo thông tin từ ban tổ chức công bố tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư-tiêu thụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiểu vùng Đồng Tháp Mười” thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 25-11, tỉnh Long An có chín dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn lên đến 3.520 tỉ đồng.
Các dự án này được kêu gọi đầu tư theo hình thức 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến chanh quy mô 550 ha tại huyện Bến Lức với tổng vốn đầu tư là 1.000 tỉ đồng.
Tỉnh Tiền Giang có bốn dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn lên đến 1.504 tỉ đồng. Trong đó, trọng điểm là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã Tam Hiệp, Long Định của huyện Châu Thành và xã Tân Lập 1 của huyện Tấn Phước với quy mô 197 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.204 tỉ đồng.
Riêng tỉnh Đồng Tháp có ba dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng không được tiết lộ cụ thể về tổng vốn của các dự án này. Các dự án kêu gọi đầu tư gồm dự án trung tâm logistics và chợ đầu mối trái cây, dự án tiểu khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Sa Đéc và tiểu khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Cao Lãnh.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng giới thiệu thêm bảy dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng khu, cụm công nghiệp và nhà xưởng cho thuê; bốn dự án công nghiệp chế biến, chế tạo trong khu, cụm công nghiệp; ba dự án lĩnh vực sản xuất điện mặt trời; sáu dự án thuộc lĩnh vực du lịch; năm dự án lĩnh vực thương mại, phát triển đô thị và sáu dự án phát triển hạ tầng đô thị.
Để tăng thu hút đầu tư cho tỉnh Long An nói riêng và tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói chung, ông Nguyễn Văn Được, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết hiện địa phương đang tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Chúng tôi cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Địa phương cũng xác định sẵn sàng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón nhận các nhà đầu tư”, ông Được khẳng định.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thông qua việc rút ngắn thời gian thỏa thuận giao đất và thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, địa phương cũng đang thực hiện chương trình đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.
Tại hội nghị, có bảy biên bản ghi nhớ về hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và hợp tác làm ăn giữa các đơn vị được ký kết. Trong đó có biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác cung ứng-tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty TNHH An Hưng Nông với Hợp tác xã Vạn Thành, bản ghi nhớ hợp tác bao tiêu sản phẩm lúa gạo giữa Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hương Trang với Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Hưng, bản ghi nhớ hợp tác cung ứng-tiêu thụ sản phẩm giữa vựa Lâm Ngọc Tùng và Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình.
Trung Chánh/sgtiepthi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã