Điểm sáng Nậm Mạ
Không phải xã điểm XDNTM, song Nậm Mạ lại có nhiều thuận lợi, đang là xã dẫn đầu về hoàn thành nhiều tiêu chí nhất và là niềm tự hào của huyện Sìn Hồ. Phải thừa nhận rằng, các bản làng Nậm Mạ chuyển mình “thay áo mới” là nhờ chương trình tái định cư. Tuy nhiên sẽ là phiến diện nếu không nhắc đến sự nỗ lực, cố gắng của người dân sau tái định cư, nhất từ khi thực hiện chương trình XDNTM.
Trên bến, dưới thuyền là tiềm năng, lợi thế của hầu hết các bản của xã Nậm Mạ hiện nay. Từ việc tuyên truyền để người dân hiểu họ chính là chủ thể của chương trình XDNTM, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã vận động người dân mua các phương tiện đánh bắt thủy sản để hành nghề. Trung bình mỗi ngày bà con đánh bắt được 4 – 5 tấn cá, tôm, sử dụng trong sinh hoạt, cải thiện bữa ăn và bán ra thị trường cải thiện cuộc sống.
Chủ trương trồng và phát triển cây cao su của tỉnh đã nhận được nhiều sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và người dân xã Nậm Mạ. Đến nay, người dân trên địa bàn đã ủng hộ và giao đất trồng được gần 1.000ha cao su. Hơn 100 lao động địa phương đã “chia tay” với tập quán canh tác cũ để tiếp cận cách trồng mới, trở thành công nhân cao su với mức thu nhập ổn định 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Đến Nậm Mạ những ngày này, nơi đâu cũng bắt gặp sự tất bật, rộn rã, từ các cụ già đến cán bộ và học sinh… Tất thảy đều tỏ rõ quyết tâm đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương giàu đẹp. Trên bến cá của bản, ông Lò Văn Nguyễn, Trưởng bản Nậm Mạ II vui mừng khi vừa cất xong mẻ vó được đầy gùi cá. Ông Nguyễn cho biết: “Khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chung sức XDNTM, bản đã tổ chức họp để bà con trao đổi, bàn bạc thực hiện. Hiểu rõ đây là chủ trương làm cho mình hưởng nên 58 hộ trong bản đã nhiệt tình hưởng ứng. Từ đó mỗi khi có việc gì cần đến sức dân, bà con sẵn sàng tham gia. Đến nay trong bản không còn hộ đói, hộ nghèo cũng chỉ còn vài ba nhà”.
Những hạn chế
Dù mang lại thành công ở nhiều lĩnh vực nhưng chương trình XDNTM ở Sìn Hồ cũng gặp không ít trở ngại, nhiều tiêu chí chưa thực hiện được, trong đó nổi bật là hai tiêu chí: đường giao thông nội đồng và vệ sinh môi trường.
Ông Lê Danh Thìn, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Giao thông nội đồng là điều kiện tiên quyết đối với sự thành bại trong nông nghiệp, nhưng đến nay huyện mới đáp ứng được khoảng 30%, tương đương với mỗi địa phương có khoảng 4km và chủ yếu tập trung ở vùng tái định cư. Để đạt tiêu chí trong XDNTM về đầu tư xây dựng giao thông nội đồng, hiện huyện còn khoảng 270km, nhưng khi triển khai xây dựng thì suất đầu tư lại quá lớn. Đầu tư giao thông nội đồng cho một xã theo quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải ước trung bình cần từ 5-7 tỷ đồng; nếu nâng cấp, sửa chữa cũng mất khoảng 50% tổng giá trị trên. Như vậy, để hoàn thành việc xây dựng giao thông nội đồng trên địa bàn, Sìn Hồ cần khoảng 100 tỷ đồng”.
Đến các thôn, bản vùng cao, điều dễ nhận thấy là tình trạng rác thải, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xả tràn lan gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, thói quen thả rông gia súc, gia cầm phổ biến khiến đường làng, ngõ xóm không đảm bảo vệ sinh và mất mỹ quan. Nguồn nước sinh hoạt luôn có nguy cơ bị ô nhiễm, thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh ở các khu dân cư…
Trao đổi với chúng tôi, anh Chẻo Liều Pao, Phó chủ tịch UBND xã Phăng Sô Lin cho biết: “Dân số của xã chủ yếu là người dân tộc Dao, trình độ dân trí thấp. Người dân trong bản sinh sống chỉ dựa vào ngô, lúa nên nhà nào khá giả cũng chỉ đủ ăn. Môi trường sống của nhân dân bản đang bị ô nhiễm là do thói quen chăn nuôi cũ. Trong các buổi sinh hoạt thôn, bản, xã đã tuyên truyền về sự cần thiết không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, song mọi biện pháp đều không hiệu quả, bà con vẫn chưa thay đổi được tập tục thả rông gia súc, gia cầm, có lẽ vì thế mà tiêu chí môi trường trong XDNTM của xã khó có thể đạt được trong một sớm một chiều”.
Thiết nghĩ, để có thể hoàn thành tiêu chí đường giao thông nội đồng và vệ sinh môi trường trong lộ trình XDNTM, chính quyền địa phương mong được hỗ trợ về nguồn vốn của tỉnh, Trung ương và các doanh nghiệp; đồng thời, huyện sẽ tập trung tuyên truyền và đầu tư xây dựng những mô hình đạt tiêu chí vệ sinh môi trường để người dân nâng cao ý thức, học tập làm theo.
Trung Hiếu
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã