Nông nghiệp Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển đột phá, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm
bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những hạn chế tồn tại cản trở sự phát triển của ngành này như năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh sản phẩm chưa cao, thiếu tính bền vững và xu thế phát triển có phần chậm lại. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp còn gây ra ô nhiễm và nguy cơ suy thoái môi trường, tạo chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, giữa thành thị và nông thôn an ninh dinh dưỡng chưa được quan tâm đúng mức… những tồn tại này chính là đòi hỏi cấp thiết cho việc phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tạo lối tư duy mới
Ngay từ giữa tháng 2/2013, trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nhiều địa phương có thể tận dụng đất trồng cây lương thực khác thay thế cây lúa. (Ảnh: Internet) |
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), với mục tiêu gắn phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, theo chủ trương của Chính phủ, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải tuân theo quy luật của cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tiến hành bước chuyển mạnh, vững chắc từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu, nay chuyển sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, thể hiện bằng giá trị lợi nhuận đồng thời chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội.
Đặc biệt, trong hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp tới đây, Nhà nước sẽ giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế, tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin, dịch vụ nông nghiệp...
“Điểm đáng chú ý của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp là có sự tăng cường tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội, từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy được vai trò của các tổ chức cộng đồng. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn”, bà Hồng cho biết.
Tập trung vào 5 giải pháp căn cơ
Để thực hiện cho được tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngay trong đề án của mình, Bộ NN&PTNT đưa ra 5 nhóm giải pháp lớn: Nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với giám sát nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; Khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công; Cải cách thể chế trong đó chú trọng tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và nâng cao năng lực cho kinh tế hợp tác; Tiếp tục sửa đổi hoàn thiện hệ thống chính sách trong nông nghiệp liên quan đất đai, thương mại… tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát, muốn điều chỉnh được cơ cấu sản xuất theo định hướng đã nêu trong đề án, trước mắt cần phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư. Xét theo hình thức đầu tư công, cần phải điều chỉnh lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm, kết hợp việc điều chỉnh về tổ chức sản xuất, tổ chức bộ máy quản lý hợp lý.
“Tư tưởng và quan điểm tái cơ cấu ngành phải được triển khai ngay từ bây giờ, tạo nên bước chuyển biến mạnh hơn ngay trong năm 2014 – 2015. Cục Trồng trọt phải đưa ra ngay giải pháp triển khai việc tiêu thụ lúa cho bà con nông dân trước tình trạng dư thừa thóc gạo hiện nay tại ĐBSCL”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Góp ý với Đề án tái cơ cấu, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có thể bằng hình thức quy hoạch lại một số vùng trồng cây màu cho khu vực ĐBSCL.
“Điều này sẽ chủ động hơn trong việc đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt trước nhu cầu của thị trường, tránh việc dư thừa sản phẩm lúa gạo trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác nước ta vẫn phải nhập khẩu. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành, các doanh nghiệp bằng việc liên kết chặt chẽ với người nông dân, tạo động lực đẩy cho nông dân sản xuất. Điều này cần nhấn mạnh hơn trong đề án tái cơ cấu”, ông Hòa nói.
Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), ông Lê Văn Bầm – Vụ trưởng nêu quan điểm, bốn tồn tại lớn của ngành nông nghiệp hiện nay cần phải được khắc phục trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu. Đồng thời, ông Bầm đề xuất cần làm rõ nội dung triển khai đề án bằng việc cụ thể hóa, chi tiết và rõ ràng hơn đối với từng lĩnh vực trong ngành nông nghiệp.
“Riêng lĩnh vực trồng lúa cần phải nghiên cứu kỹ và cụ thể để xem có nên mở rộng thêm diện tích trồng lúa hay tập trung tăng năng suất. Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực như Myanma, Campuchia đang cạnh tranh về lĩnh vực lúa gạo với Việt Nam bằng việc tăng cường mở rộng diện tích trồng lúa thì đây là điều đáng phải lưu ý”, ông Bầm nêu quan điểm.
Từng bước hoàn thiện và triển khai đồng bộ
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT – Bộ trưởng Cao Đức Phát quán triệt nhiệm vụ cho các đơn vị trong toàn ngành cần khẩn trương hoàn thiện đề án, lập kế hoạch tái cơ cấu cụ thể cho từng lĩnh vực, góp ý kiến hoàn thiện trước ngày 20/6/2013. Trong đó nhấn mạnh các Tổng cục xây dựng đề án riêng cụ thể hoặc đề án tổng thể để thực hiện tái cơ cấu ngay trong lĩnh vực mình phụ trách. Các doanh nghiệp kinh doanh cũng phải đề xuất đưa ý kiến tham gia tái cơ cấu toàn ngành.
Lưu ý đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, Bộ NN&PTNT cho rằng, các đơn vị liên quan cần rà soát các dự án đang triển khai, lên kế hoạch kiến nghị, đề xuất những dự án ưu tiên, chủ động tìm nguồn vốn hoàn thiện tránh lãng phí. Ngoài ra, rất cần thiết phải điều chỉnh bộ máy tổ chức hành chính nhà nước, cơ cấu nhân lực và cơ chế hoạt động.
Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Trồng trọt sớm cơ cấu lại ngành, lựa chọn giống lúa thích hợp cho gieo trồng trong các vụ tới tại ĐBSCL. Ở các địa phương khác, cần nghiên cứu lại xem có chuyên canh trồng lúa hay trồng cây khác, từ đó chủ động chuyển đổi cây trồng, có thể thay cây lúa bằng ngô, đậu tương…ở những vùng có năng suất và hiệu quả cao giảm thiểu những mặt hàng nông sản hiện nước ta đang phải nhập khẩu.
“Chính sách bảo vệ đất trồng lúa phải thể hiện bằng văn bản pháp quy. Đối với đất có năng lực trồng lúa nhưng không nhất thiết phải trồng lúa mà có thể thay thế bằng cây trồng phù hợp khác, miễn sao không làm giảm năng lực của đất sản xuất lúa trong tương lai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều khó khăn hiện nay đó là chăn nuôi, vì vậy, Cục Chăn nuôi cần có chính sách nâng cao hiệu quả mô hình chăn nuôi nông hộ. Tổng cục Thủy sản cần đưa giải pháp chỉ đạo cho các vùng nuôi tôm bền vững phải bằng các giải pháp đồng bộ, đồng thời đề xuất, khuyến khích ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ.
Đối với lĩnh vực trồng rừng, Bộ chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp cần có đề xuất tháo gỡ khó khăn, có chủ trương khuyến khích người nông dân trồng rừng hướng đến mô hình trồng rừng lấy gỗ kích thước lớn phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, giảm triệt để tình trạng nước ta phải xuất gỗ dăm, nhập gỗ tấm với giá thành chênh lệch rất cao.
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Cao Đức Phát giao các trường đào tạo bám sát mục tiêu đề án ngành, có hướng điều chỉnh chương trình đào tạo, chú trọng đổi mới hình thức dạy và học theo phương pháp, kiến thức mới nhằm đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn từ nay về sau.
Lạc quan trước tiến trình thực hiện Đề án, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu quan điểm rằng, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là một chủ trương lớn của Chính phủ. Chính vì vậy, những gì thuộc phạm vi của ngành nông nghiệp cần phải được thực hiện tối đa, những khó khăn, vướng mắc cũng cần được đề xuất để Chính phủ tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
“Với cách tiếp cận mới này, đề án không quan trọng việc đưa ra kế hoạch chung chung. Cái chính ở đây là tạo ra một hệ thống, khuôn khổ, phản ứng năng động trước thay đổi của thực tiễn nền kinh tế thị trường và hiệu quả xã hội. Nền nông nghiệp mới là phải xây dựng nên một guồng máy, tạo ra sản phẩm mang hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường, tái cơ cấu chính là việc điều chỉnh guồng máy đó”, Bộ trưởng Cao Đức Phát tâm đắc.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, là con đường để giải quyết căn cơ những hạn chế còn tồn tại hiện nay. Đây là công việc cần phải tiến hành ngay trước mắt nhưng sẽ diễn ra trong suốt quá trình lâu dài, vì thế, không dễ hy vọng có sự thành công ngay trong vòng 1 – 2 năm.
Vấn đề ở chỗ, tái cơ cấu là việc cần thiết phải bắt đầu ngay từ lúc này. Trong quá trình thực hiện, sẽ có những bước điều chỉnh phù hợp, trên cơ sở nền tảng và định hướng đúng đắn của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam./.
Nguyễn Quỳnh
Nguồn vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã