Khẳng định vị trí dẫn đầu
Năm 2011 khi Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới chính thức được khởi động, chỉ trong vòng 1 năm tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành 100% số xã được phê duyệt Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới và trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở quy hoạch này, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn được tập trung đầu tư. Và chỉ sau 3 năm toàn tỉnh thực hiện đầu tư được 169 công trình đường liên xã, với khoảng 155km đường bê tông và nhựa hoá. Đặc biệt chương trình nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng chính, nhân dân tổ chức triển khai đã mang lại hiệu quả cao, sau hơn 1 năm thực hiện được 117km đường liên thôn, ngõ xóm, nội đồng. Ngoài ra, các địa phương huy động nhân công cải tạo, sửa chữa 985km đường giao thông các loại; 166 cầu, cống dân sinh được cải tạo, xây dựng mới. Vì vậy đến nay 125/125 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá. Cùng với đầu tư hạ tầng giao thông thì hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất, đời sống dân sinh cũng được tập trung đầu tư cao độ, tạo hệ thống liên hoàn, khép kín về hạ tầng của thôn, xã nông thôn mới.
Nông dân xã Quảng Long (Hải Hà) thu hái chè. Ảnh: Thu Nguyệt |
Khi hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì sản xuất ở khu vực nông thôn, đời sống của nhân dân được đổi mới, cải thiện. Với một tỉnh mà từ trước đến nay chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung lương thực, thực phẩm từ tỉnh khác thì nay đã hình thành nên một hệ thống cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ ngay tại địa bàn. Đặc biệt một số thương hiệu, sản phẩm đã trở thành hàng hoá được thị trường đón nhận tích cực giúp nông dân nâng cao thu nhập như: Rau an toàn Quảng Yên, hoa Hoành Bồ, chè Đường Hoa (Hải Hà), gạo nếp cái hoa vàng và na dai Đông Triều, mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long…
Xây dựng nông thôn mới cùng với các chương trình khác đã góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân khu vực nông thôn, với thu nhập tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 14 triệu đồng/năm (năm 2012), dự kiến 16,5 triệu đồng năm 2013, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống 2,52%. Toàn tỉnh có 3 xã đạt thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm, 26 xã đạt thu nhập bình quân từ 20 đến dưới 30 triệu đồng/năm, có 41 xã đạt thu nhập bình quân từ 15 đến dưới 20 triệu đồng/năm; 55 xã thu nhập dưới 15 triệu đồng/năm.
Qua rà soát, đánh giá năm 2012, toàn tỉnh có 8 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới (vượt kế hoạch 2 xã). Năm 2013, có 26 xã cơ bản đạt tiêu chí, so với kế hoạch tăng 10 xã (bình quân các xã đạt 17,46 tiêu chí; 37,38 chỉ tiêu/xã). Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới các tỉnh miền núi khu vực phía Bắc vừa qua, đã đánh giá trong số 10 xã thuộc 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn xã nông thôn mới, thì Quảng Ninh có tới 8 xã. Với số tiêu chí đạt được là 12,37/19 tiêu chí (cả nước đạt được là 8,06/19, khu vực miền núi phía Bắc đạt 6,3/19 tiêu chí) và Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu. Không chỉ dẫn đầu về số xã đã chạm đích mà Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước khẳng định sẽ về đích trước chương trình chung của cả nước 5 năm.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Trước khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhìn trên tổng thể hiện trạng chung thì nông nghiệp và nông thôn Quảng Ninh phát triển không ổn định, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp bị thay đổi do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mặc dù đã được chú trọng đầu tư song chưa đồng bộ, thiếu tính chiến lược. Đầu tư chủ yếu là từ nguồn ngân sách nhà nước, nhân dân chưa thực sự tham gia với vai trò chủ thể, xã hội hoá còn ít. Nông dân chiếm tới 50% dân số toàn tỉnh, lao động trong độ tuổi (ở địa bàn nông thôn) chiếm tỷ lệ cao (75,4%) và có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, ổn định vùng biên giới, hải đảo nhưng đời sống vật chất và tinh thần thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng xa trung tâm. Mối quan hệ liên minh công - nông trong phát triển kinh tế nông thôn, trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn chưa rõ nét.
Giải bài toán khó này như thế nào để đến năm 2015, có 10/13 huyện, thị xã, thành phố và có 82/125 xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới và tỉnh Quảng Ninh cơ bản đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới? Trước tiên phải thay đổi từ nhận thức đến tư duy hành động, ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 về xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, giai đoạn đầu là tuyên truyền vận động để thông tư tưởng và “cầm tay chỉ việc”, khi mọi việc đã đi vào guồng, thực hiện phân quyền cho cấp dưới (cấp huyện, xã chủ động sử dụng nguồn lực). Đặc biệt để khơi dậy được sức dân, Quảng Ninh đã phát động phong trào thi đua sâu rộng và đẩy thành cao trào trong năm tăng tốc 2013, đó là, quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, thành thị giúp đỡ nông thôn, công - nông liên minh trong xây dựng nông thôn mới, nông dân tự lực sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp đồng hành cùng xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh cho biết: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là nhân tố quyết định đến sự thành công của chương trình. Giữ vững nguyên tắc “Cộng đồng dân cư ở nông thôn là chủ thể chương trình”, vì vậy mọi công việc của làng, xã đều công khai, minh bạch rõ trách nhiệm của từng cấp. Tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở quan tâm sắp xếp lại đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất, tăng cường cơ giới hoá các khâu sản xuất, chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các vùng chuyên canh, tăng năng suất lao động nông nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân… Những kinh nghiệm này chắc chắn không chỉ là quý của Quảng Ninh mà nhiều địa phương trong nước cũng đã học hỏi và vận dụng thành công cách làm của Quảng Ninh.
Đường về đích đã tới gần, trong thời gian 2 năm tới Quảng Ninh phấn đấu có thêm 48 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay các xã này đạt từ 8-14 tiêu chí, 19-27 chỉ tiêu. Dù tình hình kinh tế đang rất khó khăn nhưng không thay đổi mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục có những phương pháp tổ chức thực hiện, điều hành chương trình hiệu quả để không chỉ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà đó cũng chính là nền tảng của tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và tiến tới mục tiêu là tỉnh dịch vụ - công nghiệp trong tương lai gần...
Ngọc Lan
theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã