Tham dự Hội nghị có đồng chí: Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Văn Quyền, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cố vấn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới có những điểm khác biệt: Quảng Ninh không chỉ đạo điểm, mà triển khai đồng loạt trên 125 xã, thực hiện tất cả các tiêu chí, làm đến đâu dứt điểm đến đó để phát huy hiệu quả đầu tư. Với quyết tâm chính trị rất cao, cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Đã có 8 xã cơ bản về đích nông thôn mới trong năm 2012, dự kiến sẽ có 26 xã về đích trong năm 2013. Đến nay, bình quân chung toàn tỉnh đạt 12,37/19 tiêu chí (bình quân cả nước đạt 8,06/19 tiêu chí; khu vực miền núi phía Bắc đạt 6,3/19 tiêu chí).
Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc Quảng Ninh tổ chức Hội nghị này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm kiểm điểm, đánh giá toàn diện, thực chất kết quả đã làm được trong 3 năm qua, phân tích chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình. Những việc nào làm tốt sẽ được phát huy và nhân rộng trong thời gian tới; những việc còn hạn chế, bất cập cần mạnh dạn khắc phục, loại bỏ. Đồng chí Phạm Minh Chính cũng yêu cầu lãnh đạo các ngành, các địa phương cần phát huy cao độ hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa lộ trình về đích nông thôn mới vào năm 2015. Đánh giá chung về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng chí Vũ Ngọc Giao, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cụ thể hoá bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác; sự chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, sáng tạo, tìm ra các làm mới, đột phá. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Công tác quy hoạch được triển khai đồng bộ, môi trường vùng nông thôn được quản lý chặt chẽ hơn, đã xuất hiện nhiều mô hình xã hội hoá tham gia công tác bảo vệ môi trường. Hệ thống chính trị được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất mới, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ở nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được củng cố, nhất là điện, thuỷ lợi, giao thông, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa thôn, xã… Nhìn chung, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã làm cho tình quân dân thêm gắn bó, công - nông liên minh thêm bền chặt, thành thị trách nhiệm hơn với nông thôn, làm thay đổi cơ cấu nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo hướng nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước là chính. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm, Quảng Ninh đã huy động các nguồn vốn trên 23.000 tỷ đồng, vượt định mức chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu 15.946 tỷ đồng). Đáng chú ý, quy định của Trung ương đối với nguồn vốn ngân sách là 40%, thì tỉnh chỉ thực hiện 20,87%; dân đóng góp theo quy định 10%, thì tỉnh thực hiện 13,66%; vốn tín dụng quy định 30%, tỉnh thực hiện 65,46%... Một điểm đáng chú ý nữa, đó là từ đầu năm 2012, Quảng Ninh đã thay đổi phương thức điều hành ngân sách phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ tỉnh quản lý tập trung ngân sách, thì nay đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương thông qua Quy chế phân bổ hàng năm dựa trên các tiêu chí cụ thể đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả. Sự đổi mới này đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh tập trung hoàn thành các hạ tầng thiết yếu có tính động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của người dân. Tiêu biểu như địa phương đã đầu tư lưới điện nông thôn, đưa điện ra đảo Cô Tô - một công trình tiêu biểu về xã hội hoá, về công nghệ, về thời gian được dư luận trong cả nước đánh giá cao… Cơ chế chính sách, khoa học công nghệ được tích cực ứng dụng, đã thể hiện là một trong những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nông thôn văn minh, nông dân sáng tạo. Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Những chính sách đó bước đầu đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống nông dân. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đã tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 14 triệu đồng/năm (2012) và dự kiến năm 2013 sẽ đạt 16,5 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 2,52%. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe các ý kiến của đại diện nhiều sở, ngành, địa phương; cố vấn về xây dựng nông thôn mới để góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2015 Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới./. | ||
Các từ khóa theo tin: | ||
Đặng Hiếu - Thu Hiên theo dangcongsan |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã