Khoảng 8 - 10 năm trước, khi cà phê trở thành cây mũi nhọn về phát triển kinh tế của huyện Mường Ảng, nhiều hộ dân đã không ngần ngại chuyển đổi những chân ruộng một vụ, nương ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê. Nhưng những năm gần đây, thị trường cà phê Mường Ảng luôn rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Sự phá sản của mô hình doanh nghiệp liên kết với người dân của Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa đã khiến nhiều hộ dân trồng cà phê cảm thấy “đuối” trong việc đầu tư phát triển cây cà phê, nhiều diện tích cà phê bị bỏ bê, không được chăm sóc, kém hiệu quả.
Anh Vinh đã thành công với cây cam Vinh khi trồng thay thế cây cà phê kém hiệu quả. Với 2 ha trồng, ngay năm đầu đã cho thu nhập 600 triệu/năm, lãi hơn nhiều so với trồng cà phê
Sau nhiều năm thăng trầm cùng 8,5 ha cây cà phê, anh Phạm Xuân Vinh đã rút ra bài học cho riêng mình, anh Vinh chia sẻ: “Cà phê, nếu đầu tư trồng tập trung, chăm sóc diện tích nhỏ thì “thắng”, còn nếu tham làm nhiều thì sẽ “thua”. Không thể đói nghèo đeo đẳng, mình có sức khỏe, có vốn, có đất đai màu mỡ, vì thế tôi quyết định chuyển đổi một số diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng loại cây khác, tốn ít chi phí và cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Năm 2014, trong một lần đưa gia đình về quê ở Nghệ An nghỉ hè, anh Vinh được người thân dẫn đi tham quan mô hình trồng cam Vinh. Sau chuyến tham quan đó, anh Vinh nảy ra ý tưởng mang giống cam Vinh về trồng ở Mường Ảng.
Anh Vinh chia sẻ: “Nhìn những cây cam ở Nghệ An vừa nhỏ vừa thấp mà quả sai trĩu cành, căng mọng và có giá trị kinh tế cao. Sau chuyến đấy, tôi bỏ nhiều thời gian, công sức nghiên cứu tài liệu về đặc tính của giống cam Vinh, về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở Mường Ảng để hiện thực hóa mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của mình. Đến cuối năm 2014, tôi quyết định thực hiện mô hình chuyển đổi 2ha cà phê sang trồng cam Vinh”.
Cam Vinh trồng tại Mường Ẳng bước đầu đánh giá cho năng xuất, chất lượng không kém trồng tại Nghệ An. Theo anh Vinh, cam của anh trồng được khách hàng đánh giá cao về chất lượng
Sau khi tính toán kỹ, cùng với việc thuê máy xúc, cả gia đình anh Vinh miệt mài san gạt, hạ độ cao, đào hố trồng cam. Ròng rã gần 2 tháng, quả đồi dốc, rộng gần 2ha trồng cà phê được cải tạo thành một diện tích thoai thoải với hơn 600 hố trồng cam. Sau đó, anh Vinh kéo đường nước, bố trí hệ thống tưới và xây dựng lán kiên cố để chăm sóc, bảo vệ vườn cam.
Cuối năm 2014, anh Vinh về quê mua giống cam Vinh, rất cẩn thận anh Vinh còn thuê người trồng cam ở Nghệ An lên hướng dẫn cách trồng và các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. Sau giai đoạn kiến thiết, đến nay, vườn cam của gia đình anh xanh tốt, ít sâu bệnh và đang cho những lứa quả ngọt đầu tiên.
Dựa vào những kết quả ban đầu và hạch toán về kinh tế của mình, anh Vinh cho biết: “Giống cam Vinh trồng ở Mường Ảng cho năng suất 15 - 18 tấn/ha, với giá bán buôn khoảng 20 nghìn đồng/kg sẽ cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí. Trong khi đó, chí phí đầu tư trồng cam khoảng 60 triệu đồng/năm/ha, ít hơn 20 triệu đồng/năm/ha so với trồng cà phê. Thời gian tới, khi vườn cam này cho quả đều, thu nhập ổn định thì tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm 3ha cà phê kém hiệu quả sang trồng cam”.
Được chăm sóc đúng kỹ thuật, ngay năm đầu, 2ha cam Vinh đã sai chĩu quả. Theo ước tính của anh Vinh, vụ năm nay anh sẽ thu khoảng 35 tấn cam, sau khi trừ chi phí sẽ lãi khoảng 600 triệu đồng
Cam Vinh là loại cây trồng thuộc dạng “khó tính”, cần những kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ. Vì vậy, để nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cam, anh Phạm Xuân Vinh đã không ít lần lặn lội về Nghệ An để học hỏi quy trình kỹ thuật. “Học đi đôi với hành”, anh Vinh còn thuê người có kinh nghiệm trồng cam từ Nghệ An lên Mường Ảng trực tiếp chăm sóc vườn cam của gia đình để quan sát, học tập và thực hành. Sau khi nắm vững kiến thức, kỹ thuật trồng cam, anh Vinh thuê và dạy lại kỹ thuật cho 1 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng để cùng chăm sóc vườn cam.
Khách hàng đánh giá chất lượng cam Vinh trồng tại Mường Ẳng rất tốt, cây cam Vinh sẽ từng bước giúp bà con trong huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng nhận xét: “Nhiều năm qua, mô hình chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang trồng cà phê thì nhiều nhưng chuyển đổi theo chiều ngược lại mới chỉ có anh Phạm Xuân Vinh.
Mô hình cam Vinh của anh Phạm Xuân Vinh đang được kỳ vọng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở huyện Mường Ảng. Hiện nay, huyện cũng đang khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các giống cây, con có năng suất cao để tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Theo: Vinh Duy/daniviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã