Năng suất cây trồng giảm
Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, năng suất lúa vụ xuân năm 2017 của thành phố đạt 61,15 tạ/ha (tăng 0,25% so với vụ xuân năm trước), tuy nhiên năng suất của một số loại cây trồng khác như ngô, đậu tương, rau màu các loại… lại giảm. Đối với chăn nuôi, tổng đàn lợn và gia cầm tăng lần lượt 7,56% và 7,19%, nhưng tổng đàn trâu, bò lại giảm so với cùng kỳ.
Nghề trồng phật thủ đang mang lại thu nhập cao cho nông dân một số xã của huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: B.D.S
Hà Nội đặt mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập; phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 80% số xã trở lên và 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn. |
Cùng với thúc đẩy gia tăng giá trị các ngành sản xuất nông nghiệp, công tác xây dựng NTM cũng được tập trung đầu tư, triển khai. Tổng kinh phí đã huy động đầu tư cho NTM toàn thành phố lũy kế từ năm 2016 đến nay là trên 15.615 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6.2017, thành phố có 2 huyện Đông Anh và Đan Phượng đã được T.Ư công nhận là huyện NTM; 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức đang hoàn tất thủ tục xét công nhận đạt chuẩn NTM.
Hiện, toàn thành phố có 255/386 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 66,1%). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2016 đạt 36 triệu đồng, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang…
Nói về hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, ông Mỹ cho biết, để có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, ứng dụng khoa học công nghệ làm đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu.
"Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và biến khoa học, công nghệ trở thành “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững. Mặt khác, nông nghiệp Hà Nội có đặc thù rất riêng là phát triển ngay trong lòng Thủ đô. Do đó, nền nông nghiệp phải có tầm thế khác, phải là nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp gắn với các khu đô thị sinh thái, hình thành các vùng chuyên canh tập trung" - ông Mỹ chia sẻ.
Người dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây phật thủ. Ảnh: Hải Đăng
Tiếp tục nâng cao các tiêu chí NTM
Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội 15.615 tỷ đồng là tổng kinh phí đã huy động đầu tư cho NTM toàn thành phố. 255/386 là số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 66,1%). 36 triệu đồng là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2016. |
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017 tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: "Bên cạnh những kết quả đạt được, nền nông nghiệp thành phố vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Sản xuất còn manh mún, quy mô hộ gia đình là chính; thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Đối với xây dựng NTM, việc triển khai ở một số địa phương còn chậm, kết quả chưa đồng đều".
Trong công tác xây dựng NTM, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các địa phương cần tích cực triển khai các nhiệm vụ để các xã đăng ký năm 2017 sớm hoàn thành các tiêu chí, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đã đạt. “Sở NNPTNT cùng các địa phương phải tập trung tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ của T.Ư, thành phố đã ban hành để duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực" - ông Sửu nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu đã trao bằng khen của Bộ NNPTNT cho 2 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Nguồn; danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã