Nhịp cầu kết nối
Mới đây, Hội chợ hàng Công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2017 đã được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Tham gia hội chợ, có 400 gian hàng của 200 DN, cơ sở CNNTTB trong cả nước. Qua 5 ngày diễn ra, hội chợ đã thu hút khoảng 40 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh số bán hàng của các DN, cơ sở đạt trên 10 tỷ đồng…
Hội chợ góp phần quảng bá các sản phẩm CNNTTB |
Đại diện ban tổ chức cho biết, hội chợ là dịp để quảng bá thương hiệu, sản phẩm của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Đây còn là cơ hội để liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư kết hợp với dịch vụ du lịch giữa các địa phương với nhau. Đặc biệt, thông qua đây, các cơ quan chức năng, cụ thể là ngành công thương sẽ có những định hướng, kế hoạch thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm CNNTTB, thông qua hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại.
Về phía các DN, cơ sở tham gia hội chợ, đây là một cơ hội tốt để họ giới thiệu các sản phẩm của mình đến tận tay người tiêu dùng. Từ Bình Định, bà Huỳnh Tuyết Nga, chủ cơ sở sản xuất đặc sản Phương Nga, đã thuê xe chở đặc sản quê hương ra giới thiệu với các “thượng đế” ở xứ Huế.
Bà Nga cho biết, qua 5 ngày tham gia hội chợ, cơ sở đã tiêu thụ trên 500 kg sản phẩm các loại như, bánh tráng, bánh gạo lứt, kẹo dừa, bánh pía… doanh số bán hàng đạt trên 40 triệu đồng. Ngoài niềm vui bán được hàng, bà Nga còn rất phấn khởi bởi thông qua hội chợ đã có nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của cơ sở.
Tương tự, đại diện HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Nông nghiệp Tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, đến với Hội chợ hàng CNNTTB khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2017 lần này không chỉ vì mục đích bán hàng, mà quan trọng là quảng bá sản phẩm mới và tìm đối tác để cung ứng hàng và đặt đại lý tại các địa phương trong cả nước.
Được biết, sản phẩm chính được cơ sở mang từ Gia Lai xuống chủ yếu là những đặc sản của Tây Nguyên như: mật ong, hồ tiêu, cà phê… Trước đó, Hội chợ hàng CNNTTB khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016 cũng được tổ chức tại Quảng Ngãi. Hội chợ thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều DN, cơ sở, HTX sản xuất sản phẩm công nghiệp ở nông thôn. Những sản phẩm CNNTTB như: nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, dệt may, đồ gia dụng, máy móc thiết bị, thực phẩm… được giới thiệu đến tận tay người tiêu dùng ngay tại hội chợ.
Có thể nói, việc các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên luân phiên tổ chức các hội chợ giới thiệu hàng CNNTTB là một nhịp cầu kết nối quan trọng. Thông qua các hội chợ, các sản phẩm CNNTTB ở khu vực đã được quảng bá, giới thiệu ra thị trường, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một cách có hiệu quả.
Cần được hỗ trợ
Bên cạnh, việc luân phiên tổ chức các hội chợ để khuyến khích phát triển sản phẩm CNNTTB, nhiều địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn tích cực triển khai nhiều giải pháp khác. Trong đó, tập trung vào các chính sách khuyến công như, đào tạo dạy nghề, nâng cao năng lực quản lý cho chủ cơ sở, hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị.
Đơn cử như tại TP. Đà Nẵng, chỉ trong một thời gian ngắn ngành khuyến công địa phương đã thực hiện 24 đề án được Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí 1,799 tỷ đồng; Triển khai 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, thu hút hơn 18 tỷ đồng vốn đầu tư, 10 đề án đào tạo nghề. Đồng thời, chính quyền địa phương còn hỗ trợ thành lập các hiệp hội làng nghề như: Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, Hội Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước...
Đặc biệt, tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong khu vực hàng năm đã tổ chức bầu chọn sản phẩm CNNTTB. Năm 2016, UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định số 4285/QĐ - UBND về việc công nhận 10 sản phẩm đạt sản phẩm CNNTTB của địa phương.
Trong đó, có thể kể đến những sản phẩm như: các sản phẩm từ quế; nến thơm; cá ngừ đại dương sấy khô; nước cốt đài quả Hibiscus Delly; rượu vang tươi Hibvalley… Ngoài những nỗ lực của chính quyền địa phương, các NHTM trên địa bàn cũng tích cực vào cuộc tiếp sức cho các DN, cơ sở sản xuất có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…
Tuy đã nhận được những hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, nhưng trên thực tế tại miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước, các sản phẩm CNNTTB vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ trên thị trường. Bởi, thực tế hiện nay quy mô sản xuất của các DN, cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn vẫn còn nhỏ lẻ. DN, cơ sở thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà chưa xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài. Bởi vậy, đội ngũ lao động còn thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm còn đơn điệu, khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường…
Giám đốc một siêu thị tại TP. Đà Nẵng từng chia sẻ, nguyên nhân khiến các sản phẩm công nghiệp nông thôn còn chưa vào được hệ thống siêu thị, bởi quy mô sản xuất nhỏ, không đảm bảo được nguồn hàng thường xuyên. Đặc biệt, không ít DN, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo quy trình chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký tem nhãn...
Bởi vậy, để các sản phẩm công nghiệp nông thôn thực sự phát triển vẫn rất cần những hỗ trợ của cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong khâu xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên thị trường. Về lâu dài cần có những chính sách khôi phục và phát triển nghề và làng nghề một cách vững bền, bằng việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và nhân cấy nghề mới ở khu vực nông thôn...
Bài và ảnh Nghi Lộc
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã