Tại nhiều địa phương ở tỉnh An Giang, nhờ phát triển mạnh phong trào “công tác xã hội từ thiện” nhất là đối với việc làm cầu đường giao thông, nên đã góp phần rất lớn giúp cho tiến độ Xây dựng Nông thôn mới ở nhiều xã có sự chuyển biến khá nhanh. Trong đó có thể xem phong trào tại xã Hòa An – huyện Chợ Mới là điểm sáng để làm bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương.
Căn nhà của gia đình ông Trần Văn Ngọc và bà Nguyễn Thị Cẩm Vân ở ấp Bình Quới xã Hòa An. Gia đình ông bà rất nghèo lại gặp hoàn cảnh không may, nên dù cố gắng ra sao đi nữa thì cái nghèo cũng cứ đeo bám. Thời gian trước, gia đình phải sống trong căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát, rất vất vả. Nhưng từ khi được Nhà nước cho nhà theo diện 167, gia đình đã có được niềm vui và phần nào an tâm lo cái ăn, cái mặc chứ không còn đau đáu nỗi lo về chỗ ở nữa. Hàng xóm láng giềng cũng vui lây cho ông bà.
Nhưng vui nhất có lẽ là căn nhà có tính cộng đồng này. Lẽ ra, nó chỉ có giá trị khoảng 20 triệu đồng tính cả tiền công xây cất. Nhưng nhờ có nhóm làm công tác “xã hội từ thiện” của xã nên đã vận động thêm tiền và ngày công, do đó, căn nhà trở nên có giá trị và chắc chắn hơn.
Được biết hơn 3 năm qua, đã có hàng trăm căn nhà kiểu nhà nước và dân cùng làm như thế này được dựng lên để hỗ trợ cho người nghèo tại xã Hòa An. Tất cả đều do Ban vận động xã hội của xã thực hiện. Đặc biệt từ khi Chính quyền địa phương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới, Ban vận động cũng đã gắn kết việc làm của mình với tiêu chí về Xây dựng nhà ở cho nông thôn. Nhờ vậy mà hầu hết các căn nhà được xây dựng để tặng đều đảm bảo kiên cố, đạt chuẩn hơn so với những căn nhà tình thương trước đây.
Nếu như xã Hòa An được cho là xã cuối cùng về hướng Đông Nam của huyện Chợ Mới, thì ấp Bình Phú này chính là ấp cuối của xã Hoa An, giáp huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hai địa phương này có đặc điểm chung là tập trung rất nhiều cơ sở xay xát và lau bóng gạo. Chỉ tính riêng địa bàn xã Hòa An đã có gần 50 cơ sở. Vì vậy, nhu cầu thông thương qua lại giữa hai địa bàn là rất lớn. Lâu nay bà con phải qua lại bằng phà hoặc cầu ván, thế nên cây cầu bê tông này được xây dựng hoàn thành khiến bà con quanh đây hết sức phấn khởi.
Cây cầu có chiều dài 54 m và rộng 4 m, được khởi công và khánh thành vào đầu năm 2010, với tổng kinh phí chưa đến 1,1 tỷ đồng, do 576 cá nhân và đơn vị đóng góp. Đó là chưa kể 8.000 ngày công miễn phí của người dân và nhóm “công tác xã hội” của xã đóng góp cho cây cầy này.
Cũng như nhiều địa phương khác ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hòa An cũng có nhiều sông ngòi và kênh rạch, theo đó hệ thống giao thông, thủy lợi cũng dần được hoàn thiện để phục vụ nhu cầu đi lại, cũng như sản xuất của bà con. Có trên 5.300 hộ với gần 22 ngàn nhân khẩu, Hòa An cũng được xem là một trong những xã đông dân nhất của huyện Chợ Mới, và cũng là xã có cơ cấu kinh tế khá lý tưởng. Nông nghiệp: 34,9%, Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: 37,9%; thương mại dịch vụ chiếm 27,2%. Điều đó cho thấy, năng lực sản xuất và nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa ở đây khá lớn. Tuy nhiên, nhiều năm trước cầu – đường giao thông nông thôn ở đây chưa đạt chuẩn, không đáp ứng tốt yêu cầu đi lại của người dân trong 2 mùa mưa nắng. Vậy là Ban vận động xã hội của xã với gần 20 thành viên chủ chốt, mà đứng đầu là ông Nguyễn Văn Ô đứng ra khởi xướng việc vận động nhân dân và các mạnh thường quân đóng góp làm cầu đường trên quê hương mình. Nhờ vậy mà hệ thống giao thông trên địa bàn xã Hòa An được hoàn thiện hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ Xây dựng Nông thôn mới của xã, và góp phần rất lớn vào việc thay đổi diện mạo nông thôn Hòa An nói riêng và huyện Chợ Mới nói chung. Nhưng ấn tượng nhất là những công trình và con số mà Ban vận động này đã huy động được, điều đó càng khẳng định sức mạnh của nhân dân trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước.
Với trên 28 tỷ đồng và hàng chục ngàn ngày công mà đã xây được trên 20 cây cầu và nhiều công trình giao thông khác, tính ra đã tiết kiệm cho xã hội rất nhiều, mà chất lượng công trình được đảm bảo hơn.
Chẳng hạn cây cầu này có tổng chiều dài 70m, ngang 4 m, nếu thuê đơn vị khác thiết kế và thi công tổng kinh phí sẽ lên gần 5 tỷ đồng. Nhưng ông Nguyễn Văn Ô và Ban vận động đã biết cách liên kết với các Tổ nhóm xã Hội từ thiện nhiều nơi để họ thiết kế và thi công miễn phí, ông chỉ có việc đi vận động tiền để mua vật liệu xây dựng mà thôi, nên việc xây dựng cây cầu đã tiết kiệm được trên 50% kinh phí.
Nhờ thành tích đáng trân trọng như vậy, năm 2012 vừa qua ông Nguyễn Văn Ô được Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giao thông vận tải Việt Nam. Thời gian tới, ông và Ban Vận động xã hội của xã Hòa An cũng sẽ tiếp tục cùng địa phương đồng hành với các chỉ tiêu khác trên con đường xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Được biết hiện tại, Ban vận động đã có nguồn quỹ trên 50 triệu đồng, dùng để hỗ trợ cho những hộ nghèo trong lúc ốm đau,…Nếu những con đường đất ngày xưa được ông vận động rải đá để thuận tiện đi lại hai mùa mưa nắng, thì sắp tới ông sẽ vận động tiếp để nhựa hóa, hoặc đal hóa các tuyến này theo chuẩn Nông thôn mới.
Hòa An hiện là xã điểm Nông thôn mới của huyện Chợ Mới đến năm 2015. Nay nhờ phát động phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới” nên tiến độ diễn ra khá nhanh, hiện đã đạt 12/20 tiêu chí. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người tham gia làm công tác xã hội từ thiện để góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí không cần vốn của trên. Do vậy, các tiêu chí như nhà ở nông thôn, thu nhập, hộ nghèo, giao thông,…đến nay Hòa An cơ bản đã đạt theo tiến độ đề ra, mà phần lớn là do nhân dân đóp góp.
Năm 2013 và những năm tiếp theo, sẽ là thời gian vừa thực hiện các tiêu chí mới lại vừa giữ vững và duy trì các tiêu chí đã đạt được, nên Hòa An rất cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, mà nòng cốt là các bác, các chú trong ban Vân động . Bởi nhờ đó mà các nguồn lực xã hội được huy động tốt hơn, nhanh chóng hơn.
Thông qua phong trào nhân dân cùng nhà nước Xây dựng giao thông nông thôn như ở Hòa An nói riêng và tỉnh An Giang nói chung, trong nhiều năm qua đã hình thành nên nhiều điểm mới. Chẳng hạn, ở đây có những tổ chuyên làm công việc xây nhà, những tổ khác chuyên làm công tác xây cầu – đường, và có cả những tổ chỉ chuyên đi vận động. Như Ban vận động của ông Nguyễn Văn Ô chỉ chuyên đi vận động và xây nhà, không có khả năng thiết kế và thi công cầu đường. Vì vậy, khi gặp phải công trình lớn ông phải qua tận Long Xuyên hợp tác với nhóm khác để mời họ về, tất cả đều làm công tác xã hội từ thiện như nhau.
Người ta nói, “tấm lòng vàng” ở đâu cũng có, thời nào cũng có nhưng điều quan trọng là phải có những con người cụ thể đứng ra huy động và tập hợp họ lại thì mới có thể tạo nên nguồn lực mới cho xã hội. Điều đó sẽ càng có nghĩa hơn trong thời kỳ nước ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới như hiện nay.
Theo baoangiang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã