Đại biểu Trần Hoàng Ngân, TP.HCM, nói: "Người nông dân đã nghèo còn mua phải thuốc trừ sâu, phân bón giả. Ăn uống thì toàn thức ăn bị nhiễm độc, đi chữa bệnh thì gặp thuốc giả. Mọi thứ đều không an toàn. Đây là món nợ với dân, mà nợ này còn nặng hơn nợ xấu, nợ công. Vì vậy tôi mong Chính phủ có hành động cụ thể, quyết liệt để giải quyết vấn đề này.”
Đại biểu Trần Du Lịch, TP.HCM, cho rằng người nông dân đang phải chịu nhiều rủi ro về tự nhiên và về thị trường. “Ở các nước, người sản xuất được giúp mua bảo hiểm để giảm rủi ro thiên tai. Còn rủi ro thị trường, họ có cơ chế để tìm cách chuyển rủi ro đó cho người kinh doanh. Nhưng vấn đề đó ở Việt Nam ai sẽ đứng ra để giải quyết, và để trả lời 3 câu hỏi: Sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai”, ông nói.
Ông Lịch bổ sung thêm: “Chúng ta luôn nói không có tiền xây dựng các trung tâm tổng hợp hậu cần nghề cá. Sao không bán khách sạn ở Hà Nội để lấy tiền”. Ông khẳng định: “Không phải chúng ta không có tiền”.
Theo ông Lịch, cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân vì không thể để ngư dân tiếp tục đánh bắt như kiểu hiện nay.
Phát biểu tại Quốc hội sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn; quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Tuy nhiên, đầu tư của Chính phủ vào nông nghiệp-nông thôn vẫn tiếp tục tăng. Năm 2014, tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên 125.800 tỉ đồng, tăng khoảng 4,2%; tín dụng tính đến hết tháng 10 tăng 8,2%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2009 - 2013 tăng hơn 2,6 lần so với 5 năm trước.
Theo Phó Thủ tướng, trong 3 năm 2011 - 2013 đã huy động được 485 nghìn tỉ đồng cho nông nghiệp-nông thôn, trong đó ngân sách nhà nước các cấp bố trí 161.938 tỉ đồng chiếm 33,4%; vốn tín dụng 231.378 tỉ đồng, chiếm 47,7%; các doanh nghiệp hỗ trợ 29.900 tỉ đồng, chiếm 6,0%; dân đóng góp 62.841 tỉ đồng, chiếm 13,0%.
Trong năm 2014, hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư, nhất là các công trình dở dang có khả năng sớm hoàn thành; ước tính trong năm 2014, năng lực tưới tăng 81.200 héc ta và tiêu tăng 14.700 héc ta. Hệ thống đê sông, đê biển tiếp tục đầu tư nâng cấp đảm bảo an toàn, đã bố trí 1.184 tỉ đồng cho Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển và 200 tỉ đồng thực hiện 25 dự án tu bổ đê điều.
Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 14,4% năm 2012 và 12,7% năm 2013. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2014 ước đạt 84%, tăng 2% so với năm 2013.
theo TBKTSG Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã