Từ thị trấn Tràm Chim vượt hơn 20km đến ngã năm kênh Hồng Kỳ, xã Phú Cường là tới cơ ngơi của anh Đỗ Văn Được (Út Được). Nhìn các nhân công nam, nữ vận hành thuần thục, nhịp nhàng hệ thống máy móc hiện đại, với sự hướng dẫn tận tình của anh Út Được mà chúng tôi thầm thán phục.
Lập nghiệp trên quê mới
Anh Đỗ Văn Được (trái) giới thiệu hệ thống ngâm ủ, đưa hạt vào gieo ở các khay lúa giống . Ảnh: Trọng Trung.
Anh Đỗ Văn Được đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp năm 2016; Chủ tịch UBND huyện Tam Nông và Chủ tịch UBND xã Phú Cường tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2014 - 2016. |
Là con út trong 1 gia đình nông dân nghèo có 3 anh em. Quê Được ở tận xã Giang Quới Tây, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1991, do cuộc sống quá khó khăn, Được cùng người anh rời quê nhà lên huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp dựng cái chòi lá trên bờ kênh Đồng Tiến ở ấp B, xã Phú Cường tìm kế mưu sinh. Anh Được nhớ lại: “Làm thuê một thời gian thấy ở đây dễ sống, anh em quyết định lập nghiệp ở đây luôn. Năm 1996 tôi cưới vợ, sau đó ba mẹ vợ cho 30 công đất, lúc đó chỉ làm được 1 vụ trong năm nên phải đi làm thuê, buôn bán tùm lum…”.
Thời gian cực khổ nhất là lúc vợ chồng anh Được sau khi cưới bắt tay cải tạo 3ha đất ruộng bị nhiễm phèn nặng. Sau những năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh Được đã cải tạo ruộng từ canh tác 1 vụ lúa năng suất thấp lên canh tác 2 vụ lúa/năm cho năng suất cao hơn. Nhờ chịu đựng cực khổ “một nắng hai sương”, tính toán trong làm ăn và biết tiết kiệm… đến nay gia đình anh Được đã sở hữu 87ha đất ruộng cùng nhiều tiện nghi, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống…
Anh Đỗ Văn Được chia sẻ: “Năm 2011, tôi có tham quan trình diễn máy cấy hiệu Kubutar ở HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, thấy khoái rồi cũng theo, nhưng máy cấy lúa lúc đó chưa thích hợp với nông dân. Tập quán nông dân bây giờ là sạ mật độ dày, mình mua máy cấy lúa thưa 3 tấc về thì không làm được. Hơn nữa, lúc đó chưa có chính sách hỗ trợ nông dân cơ giới hóa nên chưa mạnh dạn mua…”.
Tới đầu năm 2015, khi có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cơ giới hóa, 2 vợ chồng anh Được bàn bạc và quyết định mua máy cấy lúa hiệu Yanmar. Mới đầu chỉ mua 1 cái, khoảng 1 tháng sau mua thêm 1 cái nữa, rồi lại mua thêm cái thứ 3. Thời điểm đó, 1 chiếc máy cấy lúa trị giá 460 triệu đồng. Máy cấy lúa đem về phục vụ cho bà con mang lại hiệu quả cao, cấy hàng cách hàng 25cm, cây cách cây 1,4 - 1,6cm. Máy cấy của anh Được làm hiệu quả, ngày càng có nhiều nông dân ưng…
Thành tỷ phú… cấy thuê
Anh Được (trái) kiểm tra lúa giống đã qua quy trình ngâm chuyển qua gieo trên khay thành mạ để đưa vào máy cấy. Ảnh: Trọng Trung.
Hơn 2 năm nay, với 3 chiếc máy cấy lúa cùng máy gieo sạ… mỗi vụ lúa anh Được làm dịch vụ cấy thuê khoảng 300ha đất ruộng lúa cho bà con trong và ngoài huyện Tam Nông. Lợi ích của máy cấy lúa vừa tiết kiệm được thời gian gieo cấy bằng tay truyền thống, vừa giảm lượng giống lúa, giảm giá thành trong sản xuất, giúp lúa cứng cây, ít nhiễm sâu bệnh và nâng cao chất lượng hạt lúa, giá bán lúa cao và tăng lợi nhuận.
Không chỉ cấy thuê, anh Được còn làm luôn công đoạn mạ khay. Trước khi có mạ để đưa lên máy cấy, anh Được đưa 300kg xơ dừa khô và 100kg đất vào máy xay nhuyễn và trộn lẫn vào nhau. Lúa giống đem ngâm ủ 2 ngày đêm cho nứt nanh. Sau đó, đưa lúa giống đã nứt nanh cùng với hỗn hợp xơ dừa khô và đất vào hệ thống dây chuyền máy gieo hạt trên khay rồi ủ thêm 2 ngày đêm nữa. Tiếp đó, đem trải ra sân rộng tưới nước thường xuyên mỗi ngày một lần vào sáng sớm hoặc chiều tối. Mười ngày sau, đưa mạ lên máy và đem cấy xuống ruộng.
Trung bình, mỗi ha ruộng thuê 1 máy cấy trong 2 giờ có giá 4,5 triệu đồng. Nếu thuê cấy bằng tay hay sạ lan truyền thống sẽ tốn chi phí trên 5 triệu đồng/ha và phải thuê tới 50 nhân công cấy liên tục từ 2 giờ trở lên...
Ông Lê Văn Hùng ở ấp 3, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thuê máy của anh Được cấy lúa cho 50ha đất ruộng của mình. Ông Hùng rất hài lòng với hiệu quả máy cấy lúa của ông Được. Ông Hùng cho biết: “Vụ lúa nào tôi cũng kêu anh Được đưa máy đến cấy lúa trên 50ha đất ruộng của tôi. Tôi thấy máy cấy nó quá tiện lợi trong việc thay thế rất nhiều nhân công và tiết kiệm được thời gian, giá thuê mướn cũng giảm nhiều. Lúa cấy máy đồng đều và dễ chăm sóc hơn cấy bằng tay truyền thống, ai cũng đều thích hết trơn…”.
Hơn 2 năm nay, cơ sở dịch vụ máy cấy lúa thuê của anh Út Được đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động địa phương có mức thu nhập ổn định từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Ông Phan Thanh Cường Em ở ấp Gò Cát, xã Phú Cường – công nhân của anh Được hơn 2 năm nay chia sẻ: “Từ khi theo anh Út Được tới giờ cuộc sống ổn định hơn trước. Bởi lúc trước mần mướn thu nhập không cao, đi cấy lúa bằng tay mỗi một ngày cấy tới 11 giờ về mỗi người chỉ được có 15.000 đồng; còn làm cho anh Út ở đây một ngày được 300.000 đồng. Công việc ổn định hơn. Lúc trước, vào thời vụ, công việc cấy lúa chỉ 5 - 7 ngày là hết, còn làm cho anh Út thì liên vụ, hết đồng này chuyển qua đồng kia, có khi cấy tới ranh giới Campuchia. Hai vợ chồng tôi nếu làm tới chiều thu được 500 ngàn, còn trước đây đi cấy giặm bằng tay hai vợ chồng chỉ được có 200.000 đồng”.
Từ nguồn lợi nhuận đáng kể trên, nhiều nông dân trong và ngoài huyện Tam Nông đã thuê máy cấy lúa của anh Đỗ Văn Được, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng một phần diện tích ruộng lúa của nông dân ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), huyện Cái Bè, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Anh Út Được bày tỏ: “Dự định tới là phải rủ anh em mua máy cấy lúa thêm để thành lập Tổ hợp tác cấy lúa bằng máy phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nông dân để cho hột gạo của mình sau này mới đạt chuẩn được chứ gieo sạ bằng tay truyền thống thì hột gạo nhỏ lắm, cấy thì hột gạo to đồng đều… như vậy mới hiện đại được!”.
Ông Phùng Công Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Tam Nông đánh giá: “Tôi thấy anh Được là nông dân hiện đại, dám nghĩ - dám làm, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học và cơ giới hóa vào đồng ruộng. Anh Được đã tiên phong đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó, có áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác để giảm giá thành…”.
Anh Đỗ Văn Được hiện đang sở hữu trên 87ha lúa cùng 3 chiếc máy cấy lúa và hệ thống máy xay trộn xơ dừa, đất, máy gieo lúa giống, xe tải, phà vận chuyển… Mỗi năm có khoản doanh thu trên dưới 3 tỷ đồng.
Theo: Trần Trọng Trung/danviet,vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã