Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hai huyện Nhà Bè và Hóc Môn là huyện nông thôn mới. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Sáng 2/10, Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn trong giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ trong 5 năm tới.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình xây dựng nông thôn mới; Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải.
TPHCM sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015
Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm hai huyện Nhà Bè và Hóc Môn là huyện nông thôn mới. Trước đó, huyện Củ Chi đã nhận được danh hiệu này.
Cả ba huyện trên đều có tất cả các xã đạt 19/19 tiêu chí. Hai huyện còn lại của Thành phố là Bình Chánh và Cần Giờ vẫn còn 6 xã chưa đạt đầy đủ các tiêu chí nông thôn mới nhưng tới cuối năm nay cũng sẽ hoàn thành. Đặc biệt, đây là 6 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí đặc thù của Thành phố, có tiêu chuẩn cao hơn bộ tiêu chí chung của cả nước.
Tới thời điểm này, sau 5 năm thực hiện Chương trình, TPHCM đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới (50/56 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới), là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng tiêu chí đạt được, tỉ lệ số xã đạt chuẩn và số lượng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đã đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại đi liền với phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để HĐH, CNH nông nghiệp, nông thôn; phát huy hiệu quả vốn ngân sách và định hướng các nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới vì mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Nhờ các giải pháp trên mà trong 5 năm qua, diện tích đất nông nghiệp của thành phố tuy giảm nhưng GDP trong sản xuất vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch, bình quân là 5,8% trong khi chỉ tiêu chỉ là 5%. Một số chỉ tiêu về sản xuất tiêu biểu như giá trị sản xuất tăng mạnh từ 158,5 triệu đồng/ha/năm lên 325 triệu đồng/ha/năm (gấp gần 4 lần giá trị sản xuất bình quân của cả nước hiện nay).
Thu nhập từ sản xuất tăng góp phần làm cho đời sống người dân nâng lên, tạo điều kiện để người dân tiếp cận và được phục vụ tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước giảm dần khoảng cách thu nhập và sự khác biệt về hưởng thụ văn hóa giữa dân cư ngoại thành và nội thành.
Người dân nông thôn được đào tạo kỹ năng cơ bản, có việc làm ngay tại địa bàn. Năm 2010 thu nhập khu vực nông thôn bằng 66% khu vực thành thị, còn tới cuối năm ngoái tỉ lệ này tăng lên 79% với giá trị thực là gần 40 triệu đồng/người/năm. Mức thu nhập này cũng tăng 2,5 lần so với 5 năm trước và gấp 4 lần thu nhập bình quân của khu vực nông thôn cả nước.
Trong 5 năm qua, thành phố đã xây mới, sửa chữa 161 trường học với 1.045 phòng học, nâng tổng số trường trên địa bàn 56 xã là 263 trường học các cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn nông thôn.
Bình quân mỗi trạm y tế có khoảng 8 biên chế, trong đó có ít nhất là 1 bác sĩ và nữ hộ sinh. 90% trạm y tế có cán bộ y học cổ truyền. Đa số các trạm này đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn theo chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới ở Thành phố cũng có những khó khăn, phải tiếp tục được khắc phục là: Chậm đổi mới các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao; tình trạng ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự một số nơi còn phức tạp.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị TPHCM tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới với cả nước. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng đây là những kết quả rất ấn tượng nhờ tư duy đổi mới, vận dụng sáng tạo chủ trương, quan điểm, chính sách chung và điều kiện thực tế, tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong điều kiện nguồn lực của Trung ương rất hạn hẹp, thành phố đã huy động các nguồn lực hiệu quả vào xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí huy động đạt trên 41.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách chi một đồng thì huy động được gần 4 đồng, đặc biệt có những chính sách ngân sách chi một đồng thì huy động được 33 đồng từ tín dụng, người dân và doanh nghiệp.
Cho rằng thành công của TPHCM trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với cả nước, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố. Phấn đấu giá trị sản xuất bình quân trên một ha và thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 tăng ít nhất gấp 2 lần so với cuối năm 2015.
Cùng với việc hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, thành phố cần chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo; xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc.
Phó Thủ tướng đề nghị thành phố tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới với cả nước; phát huy tốt vai trò tiên phong, nòng cốt của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người dân chủ động, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các cấp, ngành quán triệt các chỉ đạo, yêu cầu của Trưởng Ban chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí bằng các chỉ tiêu, số liệu cụ thể.
* Ngày mai (3/10), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới sẽ trao Quyết định của Thủ tướng công nhận huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới.
Như vậy tới nay cả nước đã có 8 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm: Thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), Hải Hậu (Nam Định), Đông Triều (Quảng Ninh), Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn (TPHCM) và Đơn Dương (Lâm Đồng).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm triển lãm về thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: VGP/Thành Chung |
VGP/Thành Chung |
Phó Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã