Mô hình rau sạch ở bản Phòng |
Ông Mạc Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã, hồ hởi, xuất phát điểm ban đầu của Thạch Giám không có gì nổi trội (chỉ đạt 6 tiêu chí), đụng vào cái gì thiếu cái đó nên áp lực đặt ra rất lớn. Cũng may, xuyên suốt chương trình, địa phương luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các, cấp ngành về mọi mặt nên khó khăn dần được đẩy lùi.
Ngay từ ban đầu, Đảng bộ, chính quyền xã Thạch Giám đã xác định rõ ràng quan điểm: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Một khi lòng dân đã thuận thì mọi nút thắt sẽ sớm được cởi bỏ.
Tính ra, trong số gần 62 tỷ đồng xây dựng NTM của xã Thạch Giám thì nhân dân đã đóng góp đến 17 tỷ đồng, một sự nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Có lợi thế gần trung tâm huyện, thuận lợi về giao thông và tiêu thụ sản phẩm nhưng Thạch Giám lại gặp khó khăn về quỹ đất, diện tích ruộng nước eo hẹp, toàn xã chưa đầy 20 ha. Ðể thoát nghèo bền vững, Ðảng bộ xã xác định hướng phát triển kinh tế dựa vào lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Với chủ trương đó, thời gian qua cán bộ địa phương đã không ngừng phát động bà con ở các bản: Mác, Lau, Mon, Chắn... ưu tiên trồng các loại cây mang lại kinh tế cao như keo, xoan, mét... Một mặt phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mặt khác có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái.
Buổi lễ công bố xã Thạch Giám đạt chuẩn NTM
Một trong những dấu ấn lớn nhất trong nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ Tương Dương là đề ra chủ trương và các giải pháp xóa nghèo bền vững. Đề án đã phát huy được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nâng cao nhận thức của nhân dân. Công tác giảm nghèo trên địa bàn đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ giảm mạnh từ 71,8% đầu nhiệm kỳ xuống còn 39,38%, bình quân mỗi năm giảm 6,5%. |
Chỉ sau 1 thời gian ngắn, nhiều hộ nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi đã xuất hiện, điển hình như gia đình ông Vang Văn Lương (bản Cây Me) đã trồng được 10 ngàn cây xoan đến tuổi thu hoạch, ước tính giá trị lên đến hàng tỷ đồng...
Bản Chắn bắt đầu triển khai trồng chuối tiêu hồng từ năm 2013 với diện tích vỏn vẹn 1 ha, chỉ sau 2 năm ngắn ngủi đã nhân rộng mô hình lên trên 4 ha và thu hút hàng chục gia đình tham gia. Chi phí trang trải vừa phải, công cán không quá vất vả nhưng thu nhập ổn định thấy rõ so với trồng lúa, bình quân mỗi hộ lãi từ 30-40 triệu đồng/năm.
Còn tại 2 bản Phòng và Nhãn, được sự chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp, người dân đã biết tận dụng triệt để diện tích đất bằng ven sông, khe suối để bắt tay xây dựng mô hình trồng rau sạch (cải, cải bắp, su hào, cà ngọt...) tăng thêm thu nhập.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, huyện Tương Dương đã cử cán bộ xuống tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cung cấp giống cho nhân dân gieo trồng. Có sự chuẩn bị kỹ càng nên hiệu quả đến như một lẽ tất yếu, bình quân mỗi năm các các hộ thu về trên 10 triệu đồng, thậm chí có nhiều nhà lãi gấp đôi.
Ông Lô Khăm Kha, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tương Dương, đánh giá: Việc áp dụng thành công các mô hình, các chương trình chính sách vào thực tế là tiền đề tạo nên bước đột phá trong xây dựng NTM ở Thạch Giám. Hi vọng điều đó sẽ tạo nên hiệu ứng dây chuyền mạnh mẽ, thúc đẩy các địa phương khác đi lên.