Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tại Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra; tính đến năm 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, khả năng cân đối ngân sách nhà nước để bố trí vốn thực hiện hằng năm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu. Do đó, cần khắc phục cơ bản tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn.
Tổng mức vốn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 200.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi phần đã sử dụng và cộng thêm số thu hồi về dự phòng, thì số vốn dự phòng chung còn lại tính đến nay là 182.161,887 tỷ đồng.
Về nguyên tắc, tiêu chí sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Bổ sung cho một số dự án quan trọng, cấp bách đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn thuộc các ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu nhưng còn thiếu vốn; bổ sung cho các dự án cấp bách mới phát sinh, ưu tiên các dự án đã được cấp có thẩm quyền có ý kiến, các dự án liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền biển đảo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai...; bổ sung cho các dự án dở dang bị giãn, hoãn tiến độ có nhu cầu cấp bách cần thực hiện tiếp.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, thời gian qua, với sự chủ động tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được tăng cường, cân đối tài chính vĩ mô được giữ vững.
Mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đã đạt được kết quả bước đầu khá tích cực, tỷ trọng đầu tư công giảm xuống mức 34,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Nguồn vốn đầu tư công đã tập trung bố trí các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền và các dự án thuộc ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không muốn đầu tư.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ một số tồn tại như đầu tư dàn trải, dở dang, chưa thanh toán hết nợ đọng xây dựng cơ bản... Tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ. Việc xây dựng danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng; xây dựng kế hoạch chưa bao quát hết các hiệp định đã ký kết, làm tăng áp lực cân đối giữa các nguồn vốn, dẫn đến vượt mức trần 300.000 tỷ đồng vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, do tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn, hàng năm chậm, áp lực cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là rất lớn, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra và sẽ phải chuyển một phần vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn sang giai đoạn sau. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị việc phân bổ phải đảm bảo các nguyên tắc cân đối được nguồn lực toàn giai đoạn, giữ tổng mức đầu tư 2.000.000 tỷ đồng; giữ vững tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công./.
Đầu tư công: Nhà nghèo vẫn tiêu hoang