Với những khó khăn của Chính phủ trong điều hành lĩnh vực này, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nhất trí với một loạt đề nghị của Chính phủ về việc sẽ trình Quốc hội điều chỉnh nâng “trần” vay ODA từ 300 nghìn tỷ đồng lên 360 nghìn tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu giải ngân cũng như những hiệp định đã ký kết…
Ảnh minh họa |
Hiệu quả được cải thiện
Đánh giá về đầu tư công 3 năm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đây là lần đầu tiên, Chính phủ xây dựng được kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016 - 2020 và đánh giá giữa kỳ về kế hoạch này; công tác kế hoạch hóa đã được nâng lên và có nhiều đổi mới; kỷ luật, kỷ cương tài chính về đầu tư công đã đi vào nền nếp, mặc dù giải ngân còn khó khăn nhưng cũng thể hiện sự thận trọng hơn, chặt chẽ hơn trong quản lý đầu tư công.
Cụ thể, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện một bước; cơ cấu chi ngân sách cho đầu tư phát triển có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách các năm 2016 - 2018 tăng lên mức 26 - 27%, vượt mục tiêu đặt ra là 25 - 26%. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực được điều chỉnh phù hợp hơn. Hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội bước đầu tăng lên, hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011 - 2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015 - 2017…
Nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn bộc lộ một số vấn đề như việc cân đối nguồn lực mới chỉ bảo đảm 53% nhu cầu; việc lựa chọn trật tự ưu tiên, hoàn thiện các thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập và cũng còn kéo dài, phân bổ còn chậm và chưa kịp thời; Việc bố trí nguồn vốn chưa hợp lý; việc điều chỉnh kế hoạch cũng có những mặt chưa kịp thời và còn nhiều vướng mắc…
Mặc dù vậy, với tinh thần ghi nhận nỗ lực và chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ trong điều hành lĩnh vực này, UBTVQH đã nhất trí với một loạt đề nghị của Chính phủ về việc sẽ trình Quốc hội điều chỉnh nâng “trần” vay ODA từ 300 nghìn tỷ đồng lên 360 nghìn tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu giải ngân cũng như những hiệp định đã ký kết, kể cả những hiệp định ODA đã ký kết và nằm trong kế hoạch đầu tư công cũng như những hiệp định đã ký nhưng chưa nằm trong kế hoạch đầu tư công và những hiệp định dự kiến sẽ ký kết, nhưng đúng thời hạn tốt nghiệp ODA để bảo đảm có lãi suất hợp lý nhất. Đồng thời đồng ý để Chính phủ trình Quốc hội giảm nguồn vốn cho các công trình trọng điểm quốc gia từ 80 nghìn tỷ đồng xuống 70 nghìn tỷ đồng. Dành 10 nghìn tỷ đồng này bố trí cho công trình biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển và một số dự án quan trọng khác…
Trước đó, báo cáo tóm tắt đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra, tính đến năm 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội. Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020…
Ngân sách trung ương khó hoàn thành kế hoạch 5 năm
Liên quan đến vấn đề ngân sách, Báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016 - 2020) cho biết, tổng thu NSNN 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đặc biệt lưu ý phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, trong khi thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm 2017, 2018 liên tiếp không đạt dự toán. Thu NSNN khó hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020.
“Với diễn biến số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm 2017, 2018 liên tiếp không đạt dự toán vì thu từ DNNN hai năm này chỉ đạt 88,5% và 97,1% dự toán; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,2% và 84,9% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 93,1% và 97,8% dự toán, đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi NSNN”, ông Hải nói.
Đáng chú ý, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2011-2015 song việc điều chỉnh chính sách thu, công cụ điều tiết các khoản thu chậm đổi mới nên kết quả thu NSNN chưa được như mong muốn. Mặt khác, còn thể hiện công tác xây dựng và giao dự toán chưa chú trọng thực sự đến công tác phân tích, đánh giá và nhận định các yếu tố tác động.
Điểm đáng lưu ý khác là trong lúc thu ngân sách trung ương hụt hơi, thì chi NSNN vẫn rất nặng gánh. Khi mà nguồn lực NSNN còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí do chưa giao đầu năm hoặc chưa phân bổ...
Bên cạnh đó, mặc dù cơ cấu chi NSNN có chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi NSNN; tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ, nhiệm vụ chi lương và bảo đảm các chính sách an sinh, xã hội ngày càng nhiều, xã hội hóa đầu tư gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực sự nghiệp công lập chậm triển khai, làm tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh, đòi hỏi phải có những tính toán căn cơ, tiết kiệm chi thường xuyên triệt để, bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại chi NSNN.
Dù vậy, về tổng thể quá trình 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016 - 2020), cơ quan này cũng ghi nhận kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành NSNN được siết chặt; Hạn chế việc tùy tiện điều chỉnh dự toán, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng từng bước được chú trọng và tăng cường hơn. Bước đầu tạo tính chủ động cho các bộ, ngành trong việc dự báo khả năng thu ngân sách và nhu cầu chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành được giao.
Dương Công Chiến/http://thoibaonganhang.vn